Wednesday, November 27, 2013
Thứ Năm ngày 28/11/2013
sẽ là Lễ Tạ Ơn tại Mỹ. Trân trọng mời đọc bài viết đặc biệt cho mùa lễ
tạ ơn năm nay của tác giả Hoàng Thanh. Cô tên thật Võ Ngọc Thanh, một
dược sĩ thuộc lớp tuổi 30’., hiện là cư dân Westminster, Orange County.
Bài viết về Lễ Tạ Ơn của cô mang tựa dề "Xin Cám Ơn Cuộc Ðời" kể lại câu
chuyện xúc động, giản dị mà khác thuờng, bắt đầu từ cái bình thuờng
nhất: " Chỉ với một nụ cuời..." Tựa đề mới đuợc đặt lại theo tinh thần
bài viết.
Trần Trung Đạo - Tang lễ Võ Nguyên Giáp, một trường hợp nghiên cứu về tẩy não
Trần Trung Đạo -
Việt Nam có hai ông Võ Nguyên Giáp. Một ông Võ Nguyên Giáp đã chết từ năm 1984 và một ông Võ Nguyên Giáp khác vừa mới qua đời. Hai ông Võ Nguyên Giáp về thịt xương chỉ là một ông nhưng trong quan điểm của lãnh đạo CS lại là hai. Khi Võ Nguyên Giáp còn sống đảng xem như đã chết nhưng khi Võ Nguyên Giáp tắt thở đảng lại quyết định ông ta phải sống như một “anh hùng dân tộc”.
Ngày ông Giáp qua đời, các trang mạng “lề dân”, các hãng tin quốc tế trong đó có BBC loan tin sớm nhất. Hai mươi bốn giờ đầu tiên, tờ Nhân Dân và cả Thông Tấn Xã Việt Nam, hai cơ quan ngôn luận chính thức của đảng CSVN không đưa tin ông Giáp từ trần. Lý do, Bộ Chính trị cần phải họp để quyết định có nên cho phép ông Giáp chết chưa, chết như thế nào, chết ngày nào và an táng ra sao.
Hơn một ngày sau, đảng quyết định Võ Nguyên Giáp “nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII…đã từ trần hồi 18 giờ 9 phút, ngày 4-10-2013 (tức ngày 30 tháng 8 năm Quý Tỵ), tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108; hưởng thọ 103 tuổi.”
Thông cáo chỉ dài một trang nhưng cố tình viết sót. Thông thường trong cáo phó hay tiểu sử, chức vụ cuối cùng là chức vụ chính thức và các chức vụ khác trước đó được viết sau hay bỏ sót cũng không sao. Chức vụ về mặt nhà nước cuối cùng trước khi nghỉ hưu của ông Giáp không phải là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam mà là Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ Có Kế hoạch chiếu theo quyết định bổ nhiệm số 58/HĐBT do Phạm Văn Đồng ký ngày 18 tháng 4 năm 1984. Khi đó ông đã rời chức Bộ Trưởng Quốc Phòng đến bốn năm. Một chức vụ cả thế giới đều biết mà đảng còn giấu được nói chi những chuyện khác. Việc xóa đi chức vụ lo phần sinh đẻ của ông Giáp là một cách thừa nhận chức vụ đó chẳng qua là vết chàm nhục nhã do Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đóng lên trán của ông Giáp.
Dù sao ông Võ Nguyên Giáp là một người may mắn. Khi còn sống ông có nằm mơ cũng không nghĩ mình được ca ngợi, vinh danh và thương tiếc nhiều đến thế. Ngoại trừ Hồ Chí Minh, những lãnh tụ CS cùng thế hệ không ai được ca ngợi như ông. Việc chọn được an táng ở một nơi vắng vẻ thay vì nghĩa trang Mai Dịch cho thấy tâm trạng của Võ Nguyên Giáp là tâm trạng của kẻ thua cuộc và từ lâu đã bị bỏ rơi. Ngoài ra, chắc ông cũng cảm thấy khó chịu khi nghĩ đến việc phải nằm cạnh Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng, Trường Chinh. Nếu Võ Nguyên Giáp chết vào đầu thập niên 1980 khi Lê Duẩn còn sống hay khi Đỗ Mười làm tổng bí thư có lẽ cũng không hơn gì những sĩ quan cấp tướng khác như Lê Trọng Tấn (1914-1986), Hoàng Văn Thái (1915-1986). Trường Chinh so với Võ Nguyên Giáp còn cao hơn cả đảng tịch lẫn chức vụ nhưng khi chết cũng không được tổ chức đình đám hơn.
Dưới chế độ CS, khóc thương, nguyền rủa, ca ngợi hay phê bình kiểm thảo cũng đều có chủ trương, có chính sách chứ không phải là một tình cảm tự nhiên. Tận diệt kẻ thù còn sống nhưng lợi dụng mọi ảnh hưởng có lợi của kẻ thù đã chết cũng là một trong những đặc điểm trong bộ máy cai trị CS khắp thế giới. Stalin khóc Sergey Kirov, Fidel Castro khóc Ernesto “Che” Guevara, Đặng Tiểu Bình khóc Mao Trạch Đông. Tình đồng chí trong giới lãnh đạo đảng CS chỉ có trong các điếu văn.
Cùng phát xuất một nguồn nên CSVN cũng chẳng tốt hơn Liên Xô, Trung Cộng. Ca tụng kẻ chết không gây tác hại gì. Xác chết không nghe được lời ca tụng, không nếm được mỹ vị cao lương, không sống trong các biệt thự có kẻ hầu người hạ, chỉ có đám độc tài đang thống trị đất nước mới thật sự là những kẻ hưởng thụ quyền lực, sống trong chiếc bóng những người đã chết. Họ đối xử nhau còn tệ hơn giới giang hồ đâm thuê chém mướn. Danh vọng và quyền lực đã làm mờ nhân tính trong con người họ. Lê Duẩn liên minh với Lê Đức Thọ để loại Võ Nguyên Giáp, rồi Lê Đức Thọ tính hại Lê Duẩn ngay cả khi y đang nằm trên giường bịnh vì không chịu viết di chúc truyền chức tổng bí thư. Đoàn Duy Thành kể trong hồi ký Làm người là khó, khi Lê Duẩn sắp chết con cái y còn lo cánh Lê Đức Thọ sẽ giết chết hết cả gia đình.
Nhưng tại sao lãnh đạo CSVN lại muốn Võ Nguyên Giáp tiếp tục sống như một “anh hùng dân tộc” trong giai đoạn này?
Lãnh đạo CS cố dựng lại tấm bình phong chính danh lịch sử. Như người viết đã trình bày trong bài Cách mạng dân tộc dân chủ trong tình hình mới trên talawas trước đây, một câu hỏi thường được đặt ra, tại sao các nước Cộng Sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ mà Cộng Sản tại các nước Á châu như Trung Quốc, Việt Nam không sụp đổ. Mặc dầu mỗi nhà phân tích chính trị có thể giải thích nguyên nhân một cách khác nhau tùy theo góc độ họ đứng và mục đích nghiên cứu, đa số đã đồng ý rằng các nước Cộng Sản tại Á Châu có một điểm mà các nước Cộng Sản Đông Âu không có, đó là sự liên hệ lịch sử giữa dòng sống của đảng Cộng Sản và dòng sống của đất nước nơi đảng ra đời. Đảng Cộng Sản Trung Quốc được thành lập 1921 trong cuộc kháng chiến chống Nhật, đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời 1930 trong cuộc kháng chiến Pháp. Lãnh đạo Trung Cộng và CSVN đã vận dụng tối đa mối liên hệ này.
Tại Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo CS tại Trung Quốc biết rõ hơn ai hết, cây cột duy nhất có thể giữ chế độ CS khỏi sụp đổ là tính chính danh lãnh đạo của đảng CS. Giáo sư Peter Hays Gries, một chuyên gia về Trung Cộng, viết “Thiếu vắng tính hợp luật dựa theo thủ tục để bầu ra các chính phủ theo các nguyên tắc dân chủ, và đối phó với sự sụp đổ của hệ tư tưởng Cộng Sản, đảng Cộng Sản Trung Hoa gia tăng phụ thuộc vào các tiêu chuẩn dân tộc để cai trị đất nước.”
Lãnh đạo CSVN sao chép toàn bộ lý luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc kể cả việc lợi dụng mối liên hệ lịch sử ngắn ngủi giữa đảng CS và dân tộc để giải thích tính chính danh của đảng trong tương lai lâu dài của dân tộc. Đừng quên, trong thời điểm chống thực dân Pháp, không phải chỉ có đảng CS mà rất nhiều đảng, nhiều phong trào cách mạng khác ra đời từ nam đến bắc để cùng đánh đuổi thực dân. Tuy nhiên, không có một phong trào nào, một đảng phái nào trong cương lĩnh tự cho rằng vì họ đánh Pháp nên đảng của họ có đặc quyền lãnh đạo cách mạng, đặc quyền lãnh đạo đất nước, không chỉ hôm nay và mãi mãi về sau như đảng CSVN. Đó là lý luận của kẻ cướp nước.
Sau 38 năm cai trị, chưa bao giờ đảng CSVN bị phải đương đầu với nhiều khó khăn như hôm nay. Ngoài sự phân hóa nội bộ và một nền kinh tế suy sụp, những thành phần từng nhiệt tình ủng hộ đảng, chấp nhận chiến đấu dưới sự lãnh đạo của đảng đang lần lượt ra đi. Nhiều trong số đó đang công khai thách thức quyền cai trị của đảng. Hơn bao giờ hết, đảng cần sự ủng hộ của quần chúng, và muốn vậy, phải hâm nóng lại chiêu bài yêu nước. Võ Nguyên Giáp là những que củi cần thiết để đốt lên lò lửa “chống thực dân và đế quốc” đã nhiều năm nguội lạnh. Giới lãnh đạo CS dùng chiếc khăn chính danh lịch sử để bịt mắt nhân dân và đã nhiều lần chứng tỏ thành công. Giáo sư Archie Brown thuộc đại học Oxford, Anh, cho rằng sở dĩ các chế độ CS tại Việt Nam, Trung Quốc còn tồn tại vì khái niệm tình cảm dân tộc nhiều giai đoạn đã có lợi cho CS.
Lãnh đạo CSVN đánh giá đúng trình độ của các thành phần bị tẩy não. Nếu so sánh Việt Nam, Trung Cộng và Bắc Hàn, Việt Nam còn quá nhiều người bị tẩy não, mê muội và lạc hậu hơn cả Trung Cộng và Bắc Hàn. Người dân Trung Hoa ít ra đã chứng tỏ cho thế giới thấy khát vọng dân chủ của họ qua biến cố Thiên An Môn với một triệu người vùng dậy chiếm cứ khuôn mặt của thủ đô Bắc Kinh suốt gần một tháng. Chế độ Cộng Sản tại Trung Hoa đang đi trên lưỡi dao cạo, chỉ cần mất thăng bằng, mất kiểm soát sẽ bị đứt chân và rơi xuống vực sâu. Khi dựng bức tượng Nữ Thần Tự Do làm biểu tượng cho cuộc đấu tranh, các lãnh đạo của phong trào Thiên An Môn đã chọn dứt khoát một con đường, đó là con đường tự do dân chủ và không có một con đường nào khác.
Bắc Hàn chìm đắm trong tăm tối, hoàn toàn bị cô lập nhưng từ 1952 đến nay, mỗi năm vẫn có hàng ngàn người dân vượt thoát được khỏi địa ngục Bắc Hàn bằng những cách vô cùng nguy hiểm. Một người Bắc Hàn vượt biên bị bắt, nếu bị bắn ngay tại chỗ, là một may mắn. Không, phần lớn phải trải qua những trận tra tấn vô cùng dã man, bị bỏ đói dần dần cho đến khi thân thể chỉ còn máu và mủ. Hầu hết người bị bắt lại hay bị Trung Cộng trao trả về Bắc Hàn đều bị giết. Tuy nhiên, những người dân Bắc Hàn đó đã chứng tỏ khát vọng tự do là một quyền bẩm sinh trong mỗi con người từ khi mới chào đời, không ai ban cho và cũng không cần ai chỉ dạy. Harvard International Review phỏng vấn anh Ji Seong-ho, người đã vượt sáu ngàn dặm qua các nước Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Đài Loan để tìm tự do năm 2006 và được anh cho biết chế độ CS Bắc Hàn đã đánh mất niềm tin trong lòng dân, và khi tôi còn ở đó người dân đã nghĩ đến sự thay đổi. Họ sợ thảo luận nơi công cộng nhưng trong riêng tư họ đã bàn đến. Áp bức vẫn tiếp tục, nhưng sự yêu chuộng cũng như uy tín của chế độ đã giảm nhiều.
Việt Nam thì khác. Để tồn tại, từ 1981 đến nay, giới lãnh đạo CS buộc phải hé cửa và tự diễn biến hòa bình qua các chính sách đổi mới kinh tế. Ánh sáng văn minh nhân loại đã theo những kẽ hở đó lọt vào. So với Bắc Hàn, người Việt Nam có nhiều điều kiện hơn để nhìn ra thế giới. Lẽ ra, người dân, nhất là thành phần trí thức, có cơ hội học hỏi, so sánh các chế độ chính trị, sở hữu một nhận thức chính trị và chọn lựa một lập trường chính trị phù hợp với xu hướng phát triển thời đại, nếu không công khai chống lại chế độ độc tài ít ra cũng biết tự trọng làm im.
Khi còn sống, những lá thư của ông Võ Nguyên Giáp lên tiếng về chủ trương xây dựng Nhà Quốc Hội ở khu di tích 18 Hoàng Diệu hay ít nhất ba lần về Dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên cũng bị ném vào sọt rác. Ngoại trừ một số rất nhỏ, không ai binh vực ông. Thế nhưng, khi đảng cho phép tiếc thương, nhiều bồi bút tận dụng cơ hội để lập công, khẳng định sự trung thành và chứng tỏ mình luôn đi sát với lập trường, quan điểm của đảng. Trên mấy trăm tờ báo đảng, bấm vào là đọc một mẫu chuyện về “cuộc đời”, “sự nghiệp” và “chiến công” của Võ Nguyên Giáp. Đọc những bài thơ, bài văn tâng bốc Võ Nguyên Giáp mà cảm thấy tội nghiệp cho tiếng Việt. Những cây đinh tuyên truyền tẩy não lại tiếp tục đóng vào nhận thức của các thế hệ Việt Nam chẳng khác gì thời chiến tranh. Tang lễ của Võ Nguyên Giáp cho thấy nhiều người vẫn còn bị lừa gạt một cách quá dễ dàng và thành phần xu nịnh trong xã hội Việt Nam còn quá đông. Thì ra, dù nhân loại đã bắt đầu thám hiểm những vì sao xa nhiều triệu dặm, chiếc đồng hồ báo thức tại Việt Nam 60 năm vẫn chưa gõ lên một tiếng nào.
Như đã viết trong bài Bàn về tẩy não, sau 38 năm, tầng lớp có học thức, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhà báo không ít người vẫn còn nghĩ rằng nói gì thì nói đảng CS trong suốt dòng lịch sử của đảng đã đồng hành với dân tộc, nói gì thì nói chỉ có đảng CS mới có khả năng đưa đất nước ra khỏi nghèo nàn lạc hậu, nói gì thì nói đảng CS là đảng nắm trong tay ngọn cờ chính nghĩa, nói gì thì nói Việt Nam vẫn cần ổn định để phát triển và mọi thay đổi đột biến sẽ dẫn đến hỗn loạn; nói gì thì nói các lãnh tụ CS vẫn là những người yêu nước, những anh hùng dân tộc và xứng đáng được kính trọng khi họ sống và tôn thờ, tiếc thương, than khóc khi họ chết. Đảng không từ chối đã phạm nhiều sai lầm trong quá khứ nhưng đó là những sai lầm khách quan. Đảng không từ chối đang có nhiều tình trạng tiêu cực xã hội nhưng đó chỉ là hiện tượng không phải bản chất của chế độ. Từ những năm đầu ăn bo bo sau 1975 cho đến gần bốn chục năm, một học sinh cho đến các “tiến sĩ” cũng đều bị tẩy não bằng những lập luận như vậy qua các lớp chính trị.
Đảng biết rất rõ thành phần “nói gì thì nói” là ai và quá khứ xuất thân của từng người trong số họ. Họ yêu nước không? Có. Họ muốn đất nước Việt Nam giàu mạnh không? Có. Họ muốn xã hội Việt Nam trong sạch không? Có. Họ muốn điều kiện chính trị tại Việt Nam được nới rộng nhưng đảng CS vẫn tiếp tục lãnh đạo đất nước không? Cũng có luôn. Nhà tâm lý học Michael Langone mô tả đó tình trạng tâm thần của những người đang trôi giữa hai bờ, bờ đúng và bờ sai, bờ thực và bờ ảo, bờ chánh và bờ tà. Họ thoạt trông như có tinh thần cách mạng nhưng trong thực tế là vật cản cho một cuộc cách mạng xã hội toàn diện và đắp đập để giữ cho cơ chế độc tài tồn tại lâu dài hơn.
Những nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ đó có bao giờ nửa khuya thức dậy pha một bình trà thật đậm, vừa uống và vừa tự hỏi những những nhận thức chính trị của mình từ đâu mà có? Những kiến thức về lịch sử của mình do ai cấy vào? Ông Võ Nguyên Giáp thực sự là nạn nhân hay cũng chỉ là kẻ sát nhân thất thế như nhiều lãnh đạo CS khác? Ông Võ Nguyên Giáp là anh hùng dân tộc hay là một trong những người đưa đất nước vào vòng nghèo nàn, độc tài, lạc hậu hôm nay? Nếu ông Võ Nguyên Giáp là anh hùng dân tộc rồi ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng triệu đồng bào miền Nam từ 1954 đến 1975, chẳng lẽ những nạn nhân vô tội kia không phải là một bộ phận của dân tộc Việt Nam sao? Và cứ thế, hãy đặt ra những câu hỏi ngược với những khẳng định và kết luận mà đảng đã trang bị, không chỉ riêng về ông Võ Nguyên Giáp mà cả một giai đoạn lịch sử dài từ khi đảng CSVN có mặt. Phải biết hoài nghi, so sánh và đặt vấn đề một cách khách quan và độc lập để thấy những gì được gọi là “chân lý” và “sự thật” dưới chế độ CS chỉ là những bùa ngải tuyên truyền.
Giải tẩy não
Bác sĩ Robert J. Lifton là nhà nghiên cứu tiên phong về tẩy não dưới chế độ CS. Trong tác phẩm Cải tạo tư tưởng và tâm lý học về chế độ toàn trị: Một nghiên cứu về “Tẩy não” tại Trung Quốc (Thought Reform and the Psychology of Totalism: A Study of “Brainwashing” in China) ông đã đưa ra 8 đặc điểm về cải tạo tư tưởng của CS: (1) Kiểm soát môi trường (Giới hạn tối đa sự liên lạc giữa nạn nhân và thế giới bên ngoài, giữa nạn nhân và xã hội chung quanh và cả giữa nạn nhân và chính nhận thức cũ của nạn nhân); (2) Vận dụng huyền bí (Vận dụng cá nhân bằng mọi cách và không giới hạn ở một phương tiện nào); (3) Đòi hỏi sự thuần khiết tuyệt đối (Một quá trình phấn đấu liên tục để đạt đến trình độ tự giác); (4) Tự thú công khai (Con người trong xã hội CS phải phô bày mọi suy nghĩ, quan tâm và lo âu một cách công khai, không có riêng tư về thể chất cũng như tinh thần); (5) Chủ thuyết là tuyệt đối đúng (Chủ thuyết CS được đảng lý luận như đồng nghĩa với khoa học và phê bình chủ thuyết CS chẳng những sai lầm về đạo đức mà còn vi phạm các nguyên tắc “khoa học”); (6) Khẩu hiệu chuyên chở ngôn ngữ (Những vấn đề phức tạp, khó hiểu và sâu xa nhất của con người được cô đọng thành những khẩu hiệu có sức cám dỗ cao, dễ giải thích, dễ hiểu và dễ nhớ); (7) Giá trị của chủ thuyết đặt cao hơn giá trị con người (Kinh nghiệm quá khứ của một người sẽ không giá trị gì nếu kinh nghiệm đó mâu thuẫn với chủ thuyết, lịch sử của dân tộc được viết lại, sửa đổi hay cắt xén để phù hợp với chủ thuyết); (8) Thành phần cần thiết và không cần thiết tồn tại trong xã hội (Có hai hạng người trong xã hội CS, một hạng thuộc giai cấp ưu việt gồm công nhân, nông dân, buôn bán lẻ có quyền tồn tại và thành phần khác gồm tư sản, địa chủ, phản động không cần phải tồn tại).
Các điểm mà Bác sĩ Robert J. Lifton trình bày về chính sách tẩy não tại Trung Cộng, đã và đang được áp dụng tại Việt Nam, cho thấy chính sách tẩy não CS vô cùng thâm độc, tận gốc rễ và có hệ thống tinh vi.
Chính Mikhail Gorbachev cũng gián tiếp thừa nhận mình từng bị tẩy não. Lần đầu tiên được đi ra nước ngoài vào những năm 1970, xã hội Tây phương đã giúp ông ta sáng mắt. Những chuyến đi trong thập niên 1980, trong tư cách Ủy viên Bộ Chính trị, đã củng cố quyết tâm thực hiện các chính sách đổi mới sau này. Gorbachev kể lại, một lần, khi tháp tùng phái đoàn đảng CS Liên Xô tham dự tang lễ của lãnh đạo CS Ý Enrico Berlinguer, ông ta ngạc nhiên khi thấy hầu hết các chính trị gia thuộc các đảng dân chủ kể cả Tổng thống Ý Alessandro Pertini cũng đến cúi chào tiễn biệt trước quan tài của Enrico Berlinguer. Đảng CS Ý trong thập niên 1980 đóng vai trò tích cực trong đời sống chính trị Ý và có hậu thuẫn rộng lớn trong quần chúng. Gorbachev thán phục tính đa nguyên và cách cư xử văn hóa trong chính trị Tây phương. Ông nghĩ điều đó không thể nào xảy ra với chủ thuyết CS mà ông được đào tạo.
Nhiều người Việt Nam tự hào học cao, hiểu rộng, đọc nhiều sách Anh, sách Mỹ, du học tại các trường đại học nước ngoài, nghĩ rằng mình không bị tẩy não. Không phải. Quan điểm lịch sử và nhận thức chính trị của họ bị tẩy từ trong bào thai cho đến tuổi trưởng thành để chấp nhận những kết luận phản khoa học như là chân lý. Áp dụng ví dụ của Yuri Alexandrovich Bezmenov trong bài trước vào điều kiện Việt Nam, dù có mang những người này ra tận các “trại cải tạo” Suối Máu, Cổng Trời và chỉ họ những nơi CS đã bỏ tù hàng trăm ngàn sĩ quan, công chức VNCH chưa hẳn họ tin cho đến khi chính họ bị nhốt vào trong các thùng sắt, bỏ đói và chịu rét, lúc đó họ mới tin.
Tiến trình giải tẩy não vì thế là một tiến trình hết sức khó khăn và chỉ có thể thành công nếu nạn nhân can đảm đối diện với sự thật, thừa nhận tình trạng bị tẩy não và giải tẩy não liên tục.
Can đảm đối diện với sự thật. Mọi hành trình bắt đầu từ chính con người. Nếu những người bị tẩy não còn đủ khôn ngoan để hiểu rằng những kiến thức mình đang có là kiến thức một chiều, là thuốc độc được nhỏ từng giọt vào nhận thức và thấm dần qua thời gian, từ thuở còn thơ cất tiếng đầu đời cho đến trường mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học, trường đoàn, trường đảng, hãy đem những kiến thức đó trả lại cho chủ nhân của chúng. Không nên tự kết án vì người bị tẩy não chỉ là nạn nhân chứ không phải là kẻ gây ra tội ác. Hàng ngàn người khóc vật vã trên đường phố trong tang lễ của ông Võ Nguyên Giáp không quan trọng vì ngày mai đảng bảo cười họ cũng sẽ cười, nhưng các nhà văn, nhà thơ, nhà báo thì khác. Họ là những tiếng nói gây ảnh hưởng và được ví như là những phát ngôn nhân của thế hệ và thời đại. Không nên tiếp tục bị nô lệ tri thức. Nô lệ vật chất chỉ thiệt hại bản thân nhưng nô lệ tri thức thiệt hại cho những người chung quanh, người đọc và nhiều thế hệ con cháu sau này. Hãy nhổ mũi tên độc ra khỏi vết thương và tiếp tục cuộc hành trình xây dựng một nhận thức mới, độc lập, khách quan và tự do.
Thừa nhận tình trạng bị tẩy não. Con người thường bất đồng với những điều nghịch lý nhưng khó chống lại những điều rất hiển nhiên và hợp lý. Người bị tẩy não thường không thừa bị tẩy não và luôn sống trong tình trạng từ chối. Tuyên truyền tẩy não CS không kê súng vô đầu một người để buộc người đó phải tin nhưng thuyết phục bằng một lý luận rất hợp với nhân tính. Những tù binh Mỹ bị bắt trong chiến tranh Triều Tiên không bị tra tấn về thể xác và không bị kết án giết người. Các cán bộ tuyên truyền Trung Cộng xác định họ là những người tốt, chỉ vì phải có mặt tại Triều Tiên trong một thời điểm sai để làm một công việc trái với đạo lý con người do chính phủ Mỹ chủ trương. Người tù binh cũng là “nạn nhân” như những người dân Triều Tiên vô tội bị bom đạn Mỹ giết chết. Người tù binh được tiếp đãi tử tế, được cấp các tiêu chuẩn ăn uống cao hơn những tù binh khác. Sau đó, anh ta được có trao cơ hội để giải phóng khỏi niềm tin cũ và xây dựng một niềm tin mới.
Tiến trình giải tẩy não là một tiến trình liên tục. Tẩy não dưới chế độ CS nhằm thay đổi tận gốc rễ, diễn ra có hệ thống và tập trung vào mục đích thuần hóa con người. “Trăm năm trồng người” là mục tiêu đầu tiên và tối hậu của đảng CS. Tuyên truyền CS diễn ra như sóng vỗ vào bờ, hết đợt này đến đợt khác. Khác với các tù bình Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên bị tẩy não trong một giai đoạn ngắn, phần lớn sau khi khi về lại nhà, thay đổi môi trường giáo dục, thông tin và tình cảm, họ nhanh chóng trở lại bình thường. Những người sống ngay giữa lòng chế độ, việc giải tẩy não khó hơn nhiều. Họ phải chiến đấu liên tục về mặt tư tưởng để chống lại các thông tin tẩy não bằng mọi hình thức và trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội. Chống lại chính sách tẩy não là một nỗ lực vô cùng khó khăn, đòi hỏi ý chí quyết tâm cao và tinh thần bền bỉ.
Sự thật sẽ thắng
Để trả lời câu hỏi tại sao Liên Xô sụp đổ, người viết tin rằng phần lớn người có kiến thức chính trị căn bản sẽ nghĩ ngay đến vai trò của cựu Tổng bí thư đảng CS Liên Xô Mikhail Gorbachev, người đã đã đưa ra hai chính sách quan trọng Perestroika (cải cách kinh tế) và Glasnost (cải cách văn hóa xã hội); một số người khác sẽ nghĩ đến vai trò của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, người đã tăng cường chạy đua vũ trang đến mức làm nền kinh tế Liên Xô kiệt quệ; một số có thể nghĩ đến vai trò của Đức Giáo Hoàng John Paul II, người với câu nói “Các con đừng sợ hãi” đã là chỗ dựa tinh thần của phong trào Công Nhân Đoàn Kết Ba Lan và phong trào dân chủ tại các nước Đông Âu; một số có thể nghĩ đến cố thủ tướng Anh Margaret Thatcher, người “phụ nữ sắt” như báo chí Liên Xô mô tả và đã được tác giả John O’Sullivan xem như là một trong ba người (Roldnald Reagan và Đức Giáo Hoàng John Paul II) đã góp phần quan trọng vào việc làm sụp đổ phong trào CS châu Âu.
Tất cả những người nêu trên thật sự đã có đóng góp quan trọng vào việc làm tan rã hệ thống CS. Tuy nhiên, họ chỉ là những giọt nước tràn ly và ly nước không thể tràn bằng vài giọt nước. Lý do chính làm tan vỡ các chế độ CS châu Âu phát xuất từ chỗ nhân dân các nước Đông Âu và Liên Xô đã vượt qua được căn bịnh tẩy não. Các chính sách tuyên truyền tẩy não từ thời Lenin, Stalin đã không còn hiệu quả, không thuyết phục và cũng không làm người dân sợ hãi, không còn ai kể cả các lãnh đạo đảng tin tưởng vào chủ nghĩa Cộng Sản. Một khi chính sách tuyên truyền không tác dụng, chế độ độc tài sẽ sụp đổ.
Như một định luật của phát triển xã hội, ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh. Khát vọng tự do trong con người chưa bao giờ chết dù giữa mùa đông tuyết giá trong các trại tập trung Siberia hay trên đường phố Budapest ngập máu trong tuần lễ từ ngày 4 đến ngày 10 tháng 11, 1956. Sau hơn 70 năm đối kháng trong âm thầm nhẫn nhục giữa lừa dối và chân thành, giữa bạo lực trấn áp và khát vọng tự do, giữa độc tài và dân chủ, giữa cổ võ chiến tranh và yêu chuộng hòa bình, giữa hận thù và tình yêu, cuối cùng, sự thật đã thắng tại châu Âu và sẽ thắng ở Việt Nam. George Orwell đã viết “trong xã hội đầy lừa dối, cất lên một tiếng nói thật là một hành động cách mạng”, hơn bao giờ hết, Việt Nam đang cần những con người làm cách mạng bằng cách sống thật và nói thật.
Trần Trung Đạo
Tuesday, November 26, 2013
Nhớ Mắt Biếc
Một Thân hữu gửi cho Maotôn PPs "Mười Thương".
Maotôn thêm vào một số hình ảnh khác, cùng hình thức, để làm thành Slide Show trên.
Nhạc: Lê Thu, Ca sĩ: Diễm Phúc
Phổ thơ ""Nhớ Mắt Biếc" của anh Phạm Trần Anh, ĐS14
(Xin lỗi Thân hữu TVThạnh, S.José, MaoTôn đã phải hy sinh bài hát "10 Thương"
trong PPs của anh, để giới thiệu bài thơ "Nhớ Mắt Biếc" của "gà nhà".
Tuy nhiên, anh Thạnh và quý vị cũng có thể xem Video clip,
có những hình ảnh rõ hơn và bản nhạc 'Mười Thương' của Phạm đình Chương
trong link sau: YouTube-MườiThương)
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM LỊCH SỬ VIỆT
QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM LỊCH SỬ VIỆT
“Đọc thấy thấm thía, tăng thêm lòng yêu nước nồng nàn …”
Bài và hình: Thanh Phong/Viễn Đông
GARDEN GROVE – Vào chiều Chủ Nhật, ngày 31-3-2013 nhà báo Đỗ Tiến Đức, ông Hoa Thế Nhân, ông Nguyễn Tấn Lạc, nhà thơ Vũ Lang và nhà thơ Xuân Chung đã tổ chức ra mắt sách “Lược Sử Việt Nam” (biên khảo) và “Nguồn Gốc Dân Tộc Việt (tái bản) của nhà biên khảo lịch sử Phạm Trần Anh tại Thư Viện Việt Nam nằm trên đường Westminster, thành phố Garden Grove.
Hơn 100 đồng hương tham dự trong đó có giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, ông Vũ Văn Tùng (Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại) và phu nhân, Mục sư David Huỳnh (Tổng Giám Đốc Nha Tuyên Úy Hoa Kỳ), Chánh án Nguyễn Trọng Nho, Đốc Sự Lê Ngọc Diệp (Chủ Tịch Ủy Ban Giám Sát Trung Ương Liên Minh Dân Chủ Việt Nam) và phu nhân, giáo sư Phan Đa Văn, ông Trần Đức Hân (Phó Chủ Tịch Văn Bút Trung Tâm Tây Nam Hoa Kỳ), ông Bùi Đức Uyển (Hội Trưởng Bưởi – Chu Văn An), một số đồng môn Quốc Gia Hành Chánh và đại diện một số hội đồng hương cũng như các cơ quan truyền thông và một số đông thân hữu của tác giả.
Nhà thơ Vũ Xuân Chung và bà Đào Bích Ty phụ trách điều hợp chương trình.
Sau nghi thức chào cờ, mặc niệm, giáo sư Tiến Sĩ Cao Văn Hở lên giới thiệu tác phẩm “Nguồn Gốc Dân Tộc Việt.”
Khi trình bày ý kiến của mình, ông Hở nêu
một quan điểm xem có vẻ mâu thuẫn khi ông tuyên bố ông không chống Đại
Hán, nhưng ngay sau đó ông tuyên bố người Đại Hán có máu xâm lược, không
để Việt Tộc chúng ta sống còn và tồn tại trên bản đồ thế giới. Diễn giả
cho rằng ông và nhà biên khảo Phạm Trần Anh có điểm tương đồng, cả hai
cùng được học đại học, nhưng “trường đại học của chúng tôi rất là thảnh
thơi, cái trường đại học đó là trường đại học ở Tây Phương, nhưng cái
đại học của nhà biên khảo Phạm Trần Anh đó là một đại học máu bởi anh bị
cộng sản cùm, tra tấn và tôi cho rằng cái đại học của anh nhiều khi còn
quý giá hơn cái đại học thực sự ở ngoài đời mà tôi đã nhận được.”
Tiến Sĩ Cao Văn Hở cũng ca ngợi những người “đã đi vào trong những đại học máu đó, đi vào cái lò luyện thép để mà sáng tạo, chính cái lò luyện thép đã tạo cho Phạm Trần Anh một sự siêu việt về tinh thần.”
Ông Hở kết luận, “Nguồn Gốc Dân Tộc Việt của nhà biên khảo Phạm Trần Anh là quyển sách tôi tâm đắc nhất. Khi tôi đọc, tôi thấy thấm thía và tăng thêm lòng yêu nước nồng nàn…”
Kế tiếp, nhà báo Đỗ Tiến Đức cũng là một cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh được mời lên giới thiệu tác giả. Nhà báo Đỗ Tiến Đức đã trình bày thêm về một từ ngữ mà giáo sư Cao Văn Hở đã nhắc đến trước đó. Ông Tiến nói, “Chúng tôi bị cộng sản bắt đi tù chứ không có chuyện học tập gì cả, chúng tôi không bao giờ chấp nhận bốn chữ Học Tập Cải Tạo.” Ông Đức cũng không đồng ý quan điểm của giáo sư Hở rằng nhờ “lò luyện thép” của Việt Cộng mà ông Phạm Trần Anh có cơ hội sáng tạo! Theo nhà báo Đỗ Tiến Đức, các cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Việt Nam Cộng Hòa được đào tạo để trở thành những nhà lãnh đạo đất nước, nhưng tiếc rằng, sau khi được đào tạo thì không còn đất nước để lãnh đạo, và những người như Phạm Trần Anh là rất hiếm trong hàng ngũ Quốc Gia Hành Chánh.
Sau 1975, ông Phạm Trần Anh ở lại và cùng một số người lập tổ chức chống cộng. Ông bị bắt tù nhiều năm, bị trói tay ra sau lưng, chỉ nằm ngửa, có lúc bị đem ra sân cỏ hù bắn, nhưng ông vẫn không chịu khai báo. Sau khi ở tù về, ông may mắn được sống tại Sài Gòn. Ông đã đến các thư viện tìm tòi, nghiên cứu để viết sách. Sau khi nói qua về tác giả, nhà báo Đỗ Tiến Đức mời ông Phạm Trần Anh lên chia sẻ tâm tình.
Ông Anh cho biết ông bất đắc dĩ trở thành nhà biên khảo lịch sử bởi nhiều nguyên do, nhưng nguyên do chính là tấm lòng yêu nước trong con người ông, thôi thúc ông phải làm. Nhà biên khảo Phạm Trần Anh đã làm mọi người say mê theo dõi những điều ông trình bày, những tư tưởng và quan điểm, niềm hy vọng vào tương lai của một dân tộc có Quốc Tổ Hùng Vương, có cội nguồn và chỉ có dân tộc Việt mới có hai chữ “đồng bào,” vì chúng ta cùng một bào thai do Mẹ Âu Cơ đẻ ra, mà các dân tộc khác không có. Nhà biên khảo Phạm Trần Anh ngỏ lời cám ơn quý thân hữu, đồng môn và mọi người đã đến với ông trong một buổi ra mắt sách cuối tuần nhiều bận rộn, nhất là trùng vào ngày Lễ Phục Sinh.
Ngoài hai diễn giả chính và tác giả, chương trình có phần phụ diễn văn nghệ của một số nghệ sĩ thuộc Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ như Xuân Thanh, Lan Hương và MC Ngọc Đăng. Có giọng ngâm truyền cảm của nhà thơ Hà Phương, Bích Ty và tiếng sáo thánh thót của nghệ sĩ Ngọc Nôi.
“Nguồn Gốc Dân Tộc Việt” được cố Đại lão Hòa Thượng Thích Đức Nhuận khen ngợi : “Là một tác phẩm giá trị với những khám phá mới lạ mà từ trước tới nay, những sử gia chưa ai đề cập tới”.
Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Thứ Trưởng Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa viết: “Tác phẩm rất xứng đáng có một chỗ đứng quan trọng trong tủ sách của người Việt Nam, nhất là cho các thế hệ sau này.”
Nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh: “Tác giả có kiến thức về văn học và sử học Việt Nam và hơn thế nữa, tác giả là người yêu quê hương và tự hào về dân tộc Việt Nam, tác giả là người bạn tâm giao với tôi và cuốn sách này cần có trong các tủ sách gia đình.”
Tiến Sĩ Nguyễn Anh Tuấn (Khoa Học Chính Trị) nói, “Xin cám ơn sử gia Phạm Trần Anh đã dầy công nghiên cứu để hôm nay chúng ta có một bộ sử đầy đủ nhất,thuyết phục nhất và hữu ích nhất cho thế hệ con em Việt Nam chúng ta”.
Ông Lê Mộng Nguyên, Viện Sĩ Hàn Lâm Viện Pháp Quốc xác định: “Đây là một tác phẩm cực kỳ giá trị và hết sức vĩ đại.”
Sách dầy 450 trang với nhiều hình ảnh có giá trị lịch sử.
Cần mua sách xin liên lạc: quocvietanhpham@yahoo.com
714-603-9291
Thanh Phong/Viễn Đông
Sunday, November 24, 2013
NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT NAM
KÍNH DÂNG
HỒN THIÊNG SÔNG NÚI
DÒNG GIỐNG RỒNG TIÊN
QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG LẬP QUỐC
ANH THƯ HÀO KIỆT ĐỜI ĐỜI BẢO QUỐC AN DÂN
Nhớ xưa Quốc Tổ dựng nền
Ngàn năm văn hiến sử thiên anh hùng
Bọc điều trăm họ thai chung
Đồng bào tiếng gọi vô cùng Việt Nam!
PHẠM TRẦN ANH
Sông núi trời Nam của nước Nam
Sách trời định rõ tự muôn ngàn
Cuồng ngông giặc dữ vào xâm lấn
Chuốc lấy bại vong lẫn nhục nhằn !
PHẠM TRẦN ANH
cẩn dịch
DI CHÚC MUÔN ĐỜI !
"Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Quốc. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn vì họ không bao giờ tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: "Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác ".
Ta muốn lời nhắn nhủ này như một di chúc cho con cháu muôn đời sau. Quá khứ là gốc rễ của tương lai, rễ càng đâm sâu thì cây mới vững vàng và càng vươn cao".
VUA TRẦN NHÂN TÔN
(1279-1293)
"Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào có thể vứt bỏ ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay, lẽ gian.
Nếu ngươi dám đem một thước sông, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho gìặc, thì phải tội tru di … "
VUA LÊ THÁNH TÔNG (1460-1497)
DUY NGÃ ĐẠI VIỆT CHI QUỐC
THỰC VI VĂN HIẾN CHI BANG…
NGUYỄN TRÃI
CHỈ NƯỚC ĐẠI VIỆT TA TỪ TRƯỚC
MỚI CÓ NỀN VĂN HIẾN NGÀN NĂM …
PHẠM TRẦN ANH
Cẩn dịch
BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO
Việc Nhân Nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Chỉ nước Đại Việt ta từ trước
Mới có nền văn hiến ngàn năm
Nước non bờ cõi đã chia
Phong tục nước ta cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần
Đã bao đời dựng xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên ...
Mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Nhưng Hào kiệt đời nào cũng có...
NGUYỄN TRÃI
Chúng ta đều do Tổ Tiên sinh ra, không cứ là trai gái già trẻ, không cứ là chi tộc nào, dòng họ nào. Mọi người đều là ”CON RỒNG CHÁU TIÊN”, đều từ một bào thai của mẹ Âu nên tất cả từ một mẹ sinh ra các ngành các chi mà thôi.
Cành cây lớn muôn lá, gốc vốn ở rễ. Nước có nghìn dòng sông, muôn ngọn suối, vốn có gốc từ một ngọn nguồn. Cảnh vật còn như vậy, huống chi là con người chúng ta. Con người sinh ra đời, đời đời nối tiếp về sau, đều do các người đời trước nuôi nấng dìu dắt vậy.
Ngưỡng mộ và tưởng nhớ Tổ Tiên, chúng ta hãy lấy việc siêng năng mà bồi đắp cho gốc rễ. Lấy sự cần kiệm làm răn rồi tu nhân tích đức, giàu lòng thương người hơn là chê bai ghen ghét người. Là con cháu thì chúng ta phải nối tiếp truyền thống của Tổ Tiên, chứ lẽ nào con cháu mà lại không suy nghĩ về ý nghĩa thâm trầm cao đẹp nói trên hay sao?
HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG
(Nói chuyện với các bô lão làng Vân Nội)
BÁCH VIỆT TỪ ĐƯỜNG TỘC PHẢ
Chú giải của La Sơn Phu Tử
“Người Việt đã bao nhiêu thế kỷ chịu ảnh hưởng của văn minh Hán Hoa, đã ăn sâu vào cá tính và có thái độ cho rằng mình thua kém, chỉ thu thập văn minh và văn hóa Trung Quốc và không tin rằng, văn hóa Trung Quốc thật sự đã nhận được sự đóng góp đáng kể từ các dân tộc Bách Việt ở phương Nam.
Những nếp sống văn hoá này đem vào Trung Hoa thời Tiền sử mang yếu tố “Biển” rõ rệt và có thể mô tả bằng một chữ, đó là chữ “VIỆT” mà trước kia thường gọi sai lầm là Thái cổ (ProtoThai)”. Tôi xác định chữ Việt nay là quốc hiệu của một nước vùng Đông Nam châu Á: Nước Việt Nam.
Sự thật bị che phủ hàng ngàn năm cùng với ảnh hưởng của ngàn năm thống trị nô dịch văn hóa khiến ngay cả người Việt cũng ngỡ ngàng, không tin đó là sự thật !!!”.
J. NEEDHAM
“Việt Nam đầy rẫy những triết gia hiểu biết theo nghĩa là những con người có chiều sâu tư tưởng, biết suy nghĩ trăn trở. Càng về đồng quê, thôn cùng xóm vắng thì càng nhiều, đó là xã hội lý tưởng của Platon mơ ước đã hiện thực ở Việt Nam từ lâu rồi”.
PAUL MUS
“ Độ luợng bao dung, khoan hòa giáo hóa, không báo thù kẻ vô đạo, đó là sức mạnh của phương Nam, người quân tử ở đấy … Mặc giáp cưỡi ngựa, xông pha giáo mác, đến chết không chán, đó là sức mạnh của phương Bắc. Kẻ cường đạo ở đó! ”.
KHỔNG PHU TỬ
“Giao Chỉ là đất văn hiến, núi sông un đúc, trân bảo rất nhiều, văn vật khả quan, nhân tài kiệt xuất”.
HÁN HIẾN ĐẾ
“Việt tuy gọi là man di nhưng tiên khởi đã có đại công đức với muôn dân vậy …”.
TƯ MÃ THIÊN
"Người trong nước có thông hiểu những sự tích nước mình mới có lòng yêu nước, yêu nhà, mới biết cố gắng học hành, hết sức làm lụng, để vun đắp thêm vào cái nền xã-hội của Tổ tiên đã xây dựng nên mà để lại cho mình".
TRẦN TRỌNG KIM
(Việt Nam Sử Lược)
THÁC THUỶ KHAI CƠ ..
TỨ CỐ SƠN HÀ
QUI BẢN TỊCH
ĐĂNG CAO VỌNG VIỄN,
QUẦN PHONG LA LIỆT
TỰ NHI TÔN.
Mở lối đắp nền
Bốn hướng non sông
về một mối,
Lên cao nhìn rộng
Nghìn trùng sông núi
tựa đàn con.
CÂU ĐỐI TRONG ĐỀN HÙNG
CÓ TỔ CÓ TÔNG
TỔ TỔ TÔNG TÔNG
TÔNG TỔ CŨ
CÒN NON CÒN NƯỚC
NON NON NƯỚC NƯỚC
NƯỚC NON NHÀ
TẢN ĐÀ
CÂY CÓ CỘI, NƯỚC CÓ NGUỒN,
CHIM CÓ TỔ, NGƯỜI CÓ NHÀ
CÓ TỔ CÓ TÔNG, CÓ TÔNG CÓ TỔ …
TỔ TỔ TÔNG TÔNG, TÔNG TÔNG TỔ TỔ
MỚI LÀ NGƯỜI
CÂY CÓ GỐC …
MỚI NỞ NGÀNH SINH NGỌN
NƯỚC CÓ NGUỒN …
MỚI BIỂN RỘNG SÔNG SÂU
NGƯỜI TA NGUỒN GỐC Ở ĐÂU ?
CÓ TỔ TIÊN TRƯỚC,
RỒI SAU CÓ MÌNH …
VĂN HIẾN THIÊN NIÊN QUỐC,
XA THƯ VẠN LÝ ĐỒ …
HỒNG BÀNG KHAI TỊCH HẬU,
NAM PHỤC NHẤT ĐƯỜNG NGU.
MINH MẠNG
Ngàn năm văn hiến nước ta
Giang sơn Tổ quốc một nhà Việt Nam.
Khởi từ Tiên Tổ Hồng Bàng,
Thái Bình thịnh trị vẻ vang giống dòng!
PHẠM TRẦN ANH cẩn dịch.
LỜI GIỚI THIỆU
ĐẠI VIỆT SỬ LƯỢC là bộ sử đầu tiên của nước ta do một tác giả vô danh đời Trần biên soạn. Bộ sử này bị giặc Minh tịch thu và bản duy nhất còn lưu trữ trong “Tứ khố Toàn thư” của triều Mãn Thanh sau khi đã bị Tiền Hy Tộ sửa đổi toàn bộ nội dung kể cả đặt lại tên là VIỆT SỬ LƯỢC. Năm 1272 sử gia Lê Văn Hưu đời Trần, viết bộ Đại Việt Sử Ký (hiện nay bộ sử này không còn nữa). Đời Lê, Ngô Sĩ Liên dựa vào Đại Việt Sử Ký để viết bộ Đại Việt Sử Ký toàn thư hoàn thành năm 1479, Lê Quý Đôn viết Đại Việt Thông sử, Ngô Thời Sĩ viết Việt Sử Tiêu án. Đời Nguyễn biên soạn Khâm định Việt sử Thông Giám Cương mục, Trần Trọng Kim viết Việt Nam sử lược. Tiếp sau đó, có Phạm Văn Sơn, Đào Duy Anh…cũng đã viết lịch sử nước Việt Nam, từ sơ khai đến cận hiện đại.
Nay Quốc Việt Phạm Trần Anh, một Phật tử trí thức, nối chí các bậc đàn anh đi trước, đã vận dụng trí tuệ bát nhã để viết bộ NGUỒN GỐC VIỆT TỘC, tìm về cội nguồn sử tích họ Hồng Bàng. Kinh Dương Vương truyền ngôi cho Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy công chúa Âu Cơ sinh ra 100 người con, 50 con theo cha xuống miền ven bể, 50 con theo mẹ Âu lên định cư ở vùng cao Phong Châu và cùng tôn người con cả lên ngôi lấy hiệu là Hùng Vương thứ nhất của nước Văn Lang, cách nay 4878 năm, đã khơi mở một nền văn minh triết Việt Tộc. Tác giả dẫn chứng bằng những sử liệu chính xác, một công trình nghiên cứu đúng đắn, tìm về nguồn cội dân tộc, phục hoạt nền văn minh cổ đại của dòng giống Bách Việt, hợp sáng với nguyên lý “Nhân duyên sinh” của Đại thừa Phật giáo.
NGUỒN GỐC VIỆT TỘC là một tác phẩm giá trị, tôi xin mời bạn hãy tìm vào nội dung để thưởng thức những cái hay đẹp, những khám phá mới lạ mà từ trước những nhà viết sử trong nước chưa ai đề cập tới. Quốc Việt Phạm Trần Anh đã tìm tòi trong các cổ và tân thư về Khảo cổ học, Khảo tiền sử, Nhân chủng học, Dân tộc học, ngôn ngữ học và nhất là Di Truyền học để hoàn thành tác phẩm biên khảo công phu về nguồn gốc Việt tộc. Tìm về cội nguồn dân tộc cũng chính là tìm về quê cha đất tổ, nơi tổ tiên Việt tộc đã từng dày công vun bón ươm những kỳ hoa, dị thảo, làm vinh hiển cho một nòi giống thông minh vốn tự hào có chiều sâu và bề dày lịch sử của ngót năm nghìn năm “Văn hiến chi bang”.
Phật lịch 2543
Cố Hòa Thượng THÍCH ĐỨC NHUẬN
Nguyên Chánh thư ký Viện Tăng Thống GHPGVNTN
VỀ NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT
Một câu hỏi đã ám ảnh tôi suốt gần 40 năm qua là “Tại sao dòng sử mệnh của người dân Việt lại trầm thống và bi thương triền miên chồng chất như thế này?!”. Biết bao thế hệ Việt Nam đã xuất dương du học để biết Người”, nhưng “Biết người mà không biết ta” thì cái biết đó vẫn chưa thế nào đủ được nên biết chỉ để biết mà thôi. Xưa Lý Đông A thường nói “Lần giở đáy, thẩm thấu suốt đáy tầng của dân tộc”. Sức sống ngấm ngầm của dân tộc luôn luôn nằm trong “Đáy Hồn Dân Tộc”. Phần đông người Việt Nam chúng ta không tự hiểu được mình nên, nói như Krisnamurti, khi chúng ta không tự hiểu mình thì ta đã suy tư không có nền tảng. Đó là lời dạy của minh triết. Muốn hiểu được mình thì phải hiểu được “Dòng Đạo Lý Nguyên thủy của Thời Quốc Tổ Hùng Vương Lập Quốc” cách đây hàng ngàn năm như một quyển “Sách Thiêng”, một “Cẩm nang” của dân tộc Việt đã soi sáng và hướng dẫn lịch sử của giống nòi từ bao ngàn năm qua.
Ngày nay, như một nhân duyên tôi được đọc tác phẩm cổ sử của sử gia Phạm Trần Anh, tôi tìm lại “Cội nguồn của dân tộc cũng như của nền Văn minh Việt cổ”, nền móng căn bản dựng nước của Tổ Tiên và Tiền Nhân. Cội nguồn này đã bị khống chế và đè bẹp bởi “Văn minh Bái vật của Đại Hán”. Dòng đạo lý nguyên thủy của Việt tộc là thờ trời thay vì thờ người như văn minh của du mục phương Bắc. Trật tự của xã hội Việt Nam là trật tự của thiên nhiên. Sau gần một ngàn năm bị Hán tộc thống trị, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc đã đem cái trật tự “Quân thần” để Hán hóa dân tộc ta bằng hình thức nô dịch văn hóa. Sự xích hoá và nô dịch văn hóa của Hán tộc đã làm cho sinh mệnh bản thể của văn minh, văn hóa Việt bị vùi dập, lu mờ hàng ngàn năm qua. Đây là sự mất mát khủng khiếp đã làm cho hồn dân tộc Việt lao đao lận đận mãi cho tới bây giờ. Lẽ trời đất thịnh suy, suy thịnh cùng với những thăng trầm hưng phế của lịch sử. Tôi đã đọc “Nguồn Gốc Dân Tộc” suốt một đêm hơn 400 trang mà lòng mình cảm thấy chứa chan hạnh phúc. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra mà tôi ấm ức mãi vì không tìm được lý giải khiến tôi canh cánh mãi bên lòng đã được trình bày cặn kẽ sáng tỏ. Lần đầu tiên tôi được đọc một quyển sách về lịch sử Việt Nam với những lý lẽ thuyết phục nhất về nguồn cội dân tộc Việt Nam nên hôm nay, tôi muốn chia xẻ với tất cả những người Việt nam yêu nước thương nòi về nguồn cội dân tộc.
Bước sang thiên niên kỷ thứ Ba của nhân loại, cơ duyên vận nước sắp đổi thay nên sử gia Phạm Trần Anh đã được điểm hóa để viết những tác phẩm để phục hồi sự thật khách quan của lịch sử, giúp cho chúng ta nhìn lại “Khuôn mặt Ngàn đời của Nòi giống Việt” nổi trôi theo vận nước. Chính vì vậy, tác phẩm của sử gia Phạm Trần Anh được xem như một “Quyển sách Gối đầu giường” không thể thiếu được của một người Việt Nam yêu nước thương nòi, nhất là các bạn trẻ thanh niên sinh viên phải tìm hiểu, nghiền ngẫm để làm hành trang trên con đường cứu quốc và kiến quốc để “Hưng quốc” Việt Nam.
Điều tôi tâm đắc nhất là ông Phạm Trần Anh là một người yêu nước nồng nàn, một chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ tự do dám hy sinh cả tính mạng mình cho dân tộc. Tấm lòng yêu nước đến cùng cực của ông còn thể hiện trong những tác phẩm lịch sử của ông. Thật vậy, sử gia Phạm Trần Anh đã khẳng định lập trường rõ rệt là “chỉ dùng chữ nhà cho những triều đại của Việt Nam vì nhà là cái gì thân thiết nhất, gần gũi nhất, cái gì của mình nên không thể dùng chữ nhà cho các triều đại Tầu Hán như nhà Hán, nhà Minh, nhà Thanh mà các sử gia trước đây thường dùng bừa bãi lẫn lộn”. Điều này chứng tỏ rằng người tù bất khuất Phạm Trần Anh không chỉ là một chiến sĩ cách mạng đã đứng lên đấu tranh lật đổ bạo quyền Cộng sản mà ông qủa thực là một nhà cách mạng ngay trong lĩnh vực lịch sử. Thật vậy, do ảnh hưởng vào sách sử cũng như học vị nên từ trước tới nay, chưa một sử gia nào dám đặt lại vấn đề, chưa dám xét lại những gì ghi chép trong sách sử dù có thấy một vài điểm vô lý. Đối với lĩnh vực sử học, việc làm này xem như “Phạm húy”, liều lĩnh dại dột dám phản bác chống lại những “Khuôn vàng thước ngọc” của tiền nhân từ hàng nghìn năm nay. Thế nhưng, sử gia Phạm Trần Anh đã dám làm điều đó để “phục hồi sự thật lịch sử, Trả lại những gì của lịch sử cho lịch sử” làm cho mọi người phải đặt lại vấn đề, gạt bỏ nhận định sai lầm từ trước đến nay về lịch sử của dân tộc Việt.
1. Thứ nhất là sử gia Phạm Trần Anh đã phục hồi sự thật lịch sử về “Cái gọi là văn minh Trung Quốc” chính là nền văn minh của Việt tộc. Học giả thời danh J Needham, một nhà Trung Hoa Học người đã nói: “Sự thật bị che phủ hàng ngàn năm cùng với ảnh hưởng của ngàn năm thống trị nô dịch văn hóa khiến ngay cả người Việt cũng ngỡ ngàng, không tin đó là sự thật .!!!”. Sử gia Phạm Trần Anh viết: “Tứ Thư Ngũ Kinh không phải của Hán tộc mà chính là của Việt tộc. Sách Trang Tử kể chuyện Khổng Tử gặp Lão Tử. Khổng Tử nói: “ Khâu này chỉ khảo cứu sâu 6 kinh là Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu”. Như vậy thời Khổng Tử Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu đã có từ lâu và được gọi là “Kinh”. Chính bộ “Trung Quốc Văn học Sử” do “Bắc Kinh đại học, Trung văn hệ” biên soạn viết rõ ràng là “Tên gọi Thi Kinh là do Hán Nho thêm vào”. Sử gia chính thống Hán tộc Tư Mã Thiên viết “ Xưa kia, Thi vốn có hơn 3 ngàn bài, đến Khổng Tử chỉ lấy 305 bài hợp với việc thực thi lễ nghĩa, đều phổ nhạc, cố tìm âm hợp với nhạc Thiều, Vũ, Nhã, Tụng”.
Cổ văn Thượng Thư do Lỗ Cung Công con của Lỗ Cảnh Đế tìm thấy khi phá ngôi nhà cũ của Khổng Tử để xây cất lại lớn hơn. Trong bức vách nhà có những sách cổ thời Ngu, Hạ, Thương, Chu, Luận Ngữ, Hiếu Kinh đều viết bằng chữ cổ gọi là Khoa Đẩu tự hình con nòng nọc. Sách Hán Thư, Thiên văn Nghệ chí chép “Cổ văn Thượng Thư được tìm thấy trong vách tường nhà Khổng Tử. Khổng An Quốc, hậu duệ của Khổng Tử trước đây đã biết bộ sách này có 29 thiên do Phục Sinh truyền, chưa kể Thái Thệ còn thừa ra 16 thiên, tính ra 45 quyển, 58 thiên không kể bài tựa … nay lại được thêm 16 quyển”. “Như vậy, rõ ràng là Ngũ Kinh có trước thời Khổng Tử và được viết bằng lối chữ “Khoa Đẩu” là lối chữ viết theo hình dáng của con nòng nọc của Việt tộc thời xa xưa. Lối chữ “Nòng Nọc” của người Việt cổ cùng với nền văn hóa Hòa Bình đã lan truyền khắp Trung Đông, góp phần tạo nên những nền văn minh cổ đại khác của nhân loại”.
Thực tế lịch sử này được Hội nghị Quốc tế các nhà Trung Hoa học trên khắp thế giới kể cả Trung Quốc và Đài Loan hội thảo về “Nguồn gốc nền văn minh Trung Quốc” tại đại học Berkerley Hoa Kỳ năm 1978. Hội nghị đã thừa nhận là “Không thể tìm ra đủ dấu vết chứng cớ để phân biệt giữa Hán tộc và các tộc người không phải là Tàu trên phương diện lịch sử. Giới nghiên cứu phải tìm về dấu tích văn hoá mà về văn hoá thì Hán tộc chịu ảnh hưởng của Di Việt”. Như vậy, Di Việt làm chủ Trung nguyên trước Hán tộc và các triều đại Thương, Chu tiếp thu văn hóa của Di Việt ở phương Nam. Thực tế này đã được chính “Người thầy Muôn đời” của Hán tộc là Khổng Tử đã ca tụng tính ưu việt của nền văn minh rực rỡ của Bách Việt ở phương Nam. Trong sách Trung Dung Khổng Tử đã viết như sau: “Độ luợng bao dung, khoan hòa giáo hóa, không báo thù kẻ vô đạo, đó là sức mạnh của phương Nam, người quân tử ở đấy … Mặc giáp cưỡi ngựa, xông pha giáo mác, đến chết không chán, đó là sức mạnh của phương Bắc. Kẻ cường đạo ở đó! ”. Chính Hán Hiến Đế cũng phải thừa nhận: “Giao Chỉ là đất văn hiến, núi sông un đúc, trân bảo rất nhiều, văn vật khả quan, nhân tài kiệt xuất ..!” nên sử gia chính thống của Hán tộc là Tư Mã Thiên cũng đã phải thừa nhận một sự thực là “Việt tuy gọi là man di nhưng tiên khởi đã có đại công đức với muôn dân vậy …”.
Ngày nay, sử gia hàng đầu của Trung Quốc là Trương Quang Trực (Chang Kwang Chih), đã phải thừa nhận là tuy Trung Quốc là một quốc gia lớn với một nền văn hoá lớn nhưng nó đã phải thâu nhập tinh hoa của nhiều nền văn hoá hoá hợp lại: “Những nền văn hoá địa phương thời tiền sử, sau khi thống nhất đã trở thành một bộ phận của văn hoá Trung Quốc. Nguồn gốc thực sự của Hoa Hán chỉ là phần nhỏ nhưng sau khi triều Tần thống nhất thì dân tộc cả nước thống nhất ấy là dân tộc Trung Hoa”.
2. Thứ hai là trong lịch sử chưa một ai dám phê bình Tư Mã Thiên, sử gia chính thống của Hán tộc, một ngôi sao Bắc Đẩu trong lịch sử phương Đông nói riêng và cả nhân loại nói chung. Sử gia Phạm Trần Anh là người đầu tiên đã chứng minh một cách khoa học nhất, thuyết phục nhất rằng nhân vật Hoàng Đế mà sử gia Tư Mã Thiên viết là Tổ Tiên của nhân dân Trung Quốc, người khai mở lịch sử Trung Quốc là không đúng sự thật. Việt Nam Thời Lập Quốc viết:“Theo Từ Hải thì Hoàng Đế, Li Vưu đều là những thị tộc trưởng nên sở dĩ có chiến tranh là để giành ngôi vị thủ lĩnh mà thôi. Gần đây, học giả Eberhard một nhà Trung Hoa học nổi tiếng đã công bố một sự thật là vào khoảng năm 450 TDL, một người viết sử đã đưa Hoàng Đế nguyên là một vị thần nhỏ trong địa phận Sơn Đông lên làm vị vua đầu tiên của Hán tộc. Nếu Hoàng Đế là một nhân vật có thật thì Đế Hoàng ở Sơn Đông phải là người Việt cổ, hậu duệ của Thần Nông nhưng thuộc dòng Thần Nông phương Bắc. Sơn Đông là địa bàn cư trú của Lạc bộ Trãi của Việt tộc mà cổ sử Trung Quốc gọi là rợ Đông Di nên vị thần Đế Hoàng chính là người Việt cổ nhưng sử gia Tư Mã Thiên nhận là thủy tổ của người Trung Quốc (Hán tộc) nên viết Đế Hoàng theo cú pháp Hán tự là Hoàng Đế. Mạnh Tử xác nhận vua Thuấn là người Đông Di và từ điển Từ Hải cũng xác định là tổ tiên và con cháu Thuấn đều được phong ở đất Đông Di. Thế mà Tư Mã Thiên, sử quan chính thống Đại Hán lại bao biện cho rằng Thuấn bị xem là người Đông Di vì thói quen hồi đó gọi là như thế. Luận điệu này không có tính cách thuyết phục. Tại sao lại có thói quen gọi một người đồng chủng nhất là một vị vua là rợ Đông Di? Chính bản thân Tư Mã Thiên chỉ can gián vua mà đã bị tội “Cung Hình” phải cắt bỏ bộ phận sinh dục huống chi gọi vua là man di mọi rợ, chắc chắn phải bị tru di tam tộc!”.
3. Thứ ba, không chỉ Hoàng Đế tức Đế Hoàng mà cả “Tam Hoàng Ngũ Đế” ghi chép trong lịch sử Trung Quốc thực ra chỉ có nhị hoàng là Phục Hy, Thần Nông mà truyền thuyết khởi nguyên dân tộc kể lại là dòng Thần Nông phương Bắc như Đế Nghi, Đế Lai, Đế Du Võng, Đế Hoàng, Đế Xuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế Vũ lập ra nhà Hạ trước đây sách sử ghi là của Trung Quốc mà sự thật là của Việt tộc. Nguồn Gốc Dân Tộc Việt viết: “Theo các nhà Tiền Sử học thì Malayo-Viets tức Bách Việt đã định cư ở Trung Nguyên cách đây ít nhất là 6 ngàn năm hoàn toàn phù hợp với niên đại trong huyền sử ghi rằng họ Phục Hy làm vua từ năm 4.480 đến 3.220 TDL và họ Thần Nông làm vua từ năm 3.220 TDL đến năm 3.080 TDL. Thời Xuân Thu là thời kỳ phục hưng của Việt tộc với sự trổi dậy của các quốc gia Bách Việt, hết Ngô đến Việt xưng “Bá” rồi tới Sở lãnh đạo liên minh 6 nước trung nguyên chống Tần giành quyền thống lĩnh trung nguyên. Chính vì vậy, thời kỳ này mới xuất hiện các nhân vật huyền sử Việt từ Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông, Đế Hoàng (Hoàng Đế) tới Đế Xuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu và Đế Thuấn và Đế Đại Vũ nhà Hạ của Việt tộc. Chính Khổng Tử, người được xem là bậc thầy muôn đời của Trung quốc cũng biết rõ điều này nên chưa hề nhắc tới nhân vật Hoàng Đế của Trung Quốc mặc dù Khổng Tử đã xác nhận rõ là theo phò triều Chu. Trong các tác phẩm Cổ sử Khảo, Tam ngũ Lịch, Đông Kỷ, Đế vương Thế kỷ thì tất cả đều khẳng định rằng Thần Nông có liên quan huyết thống với Việt tộc. Nói cách khác, Việt tộc chính là hậu duệ của Thần Nông. Cổ thư TQ chép đời Nghiêu Thuấn đánh dẹp họ Cộng Công của Hán tộc vì đã tranh ngôi với Chúc Dung là hậu duệ của Đế Viêm Thần Nông. Vua các nước Trịnh và hoàng tộc một số nước ở bán đảo Sơn Đông như Tề, Lỗ, Trần đều nhận họ là con cháu Thần Thái Sơn và lấy họ Khương của Thần Nông. Như vậy, Thần Nông họ Khương định cư ở đất Khương ở phía Tây nên sử TQ viết là Tây Khương đúng như truyền thuyết kể lại là cháu ba đời của Thần Nông là Đế Minh đi tuần du phương Nam …
4. Thứ tư, sử gia Phạm Trần Anh đã dẫn chứng công trình khảo cổ học để chứng minh dòng Thần Nông phương Bắc gồm Đế Nghi, Đế Lai, Đế Du Võng, Đế Hoàng, Đế Cốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế Hạ Vũ nhà Hạ là của Việt tộc. Thật vậy, Lịch sử vẫn là lịch sử trên nguồn thư tịch, thế nhưng một khi những sự kiện lịch sử này được các công trình khảo cổ chứng minh qua những di chỉ, hiện vật tại nơi đã xảy ra sự kiện này cũng như thời điểm niên đại khảo cổ được xác định bằng phương pháp đồng vị C 14 thì sự kiện này trở nên một hiện thực lịch sử sống động, có giá trị thuyết phục mà không một luận cứ nào có thể phản bác được. Với phương pháp phóng xạ C14, các nhà khảo cổ đã xác định được những người Ngưỡng Thiều, Long Sơn thuộc chủng phương Nam Mongoloid mà chúng tôi gọi là Hoabinhoid=> Hoabinhian=> Protoviets=> Malayoviets= Bách Việt mới chính xác. Kết qủa phân tích mã di truyền DNA cho biết người miền Đông và miền Nam Trung Quốc hiện nay có cùng DNA với người Việt Nam và cả cư dân Đông Nam Á nữa. Chứng cứ khảo cổ này đã phục hồi sự thật lịch sử là nhà Hạ trong lịch sử Trung Hoa là của Việt tộc đã định cư ở vùng sông Bộc mà truyền thuyết kể là ngành Thần Nông phương Bắc đã thành lập các triều đại Đế Hoàng, Đế Nghiêu, Đế Thuấn và Đế Hạ Vũ nhà Hạ.
5. Thứ năm, sử gia Phạm Trần Anh là người đầu tiên lý giải truyền thuyết khởi nguyên dân tộc một cách rõ ràng nhất, đầy đủ nhất, trong sáng và thuyết phục nhất chứ không còn hoang đường huyền hoặc như chúng ta vẫn hiểu từ trước đến giờ. Thế là truyền thuyết từ chỗ “u u minh minh” đã trở thành “minh minh” chứ không còn “u u minh minh” như trước nữa. “Với tất cả tấm lòng và thái độ trân trọng nghiêm chỉnh và với phương pháp nghiên cứu huyền thoại để tự đặt mình vào hoàn cảnh lịch sử thời cổ đại thì những ẩn ý hàm tàng trong huyền thoại sẽ gợi mở sáng tỏ, minh nhiên lý giải những gì ẩn tàng trong bức thông điệp “Huyền Thoại” của tiền nhân gửi gấm cho thế hệ chúng ta. Ý niệm trứng trong huyền thoại là “Totem” vật tổ biểu trưng của Việt tộc, tộc người thờ chim là một con vật đứng đầu trong tứ linh: nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng. Vì vậy, việc Mẹ Âu Cơ mà vật tổ biểu trưng là chim thì việc mẹ Âu sinh ra trăm trứng nở ra trăm người con trai trên bình diện tâm linh là bình thường không có gì đáng ngạc nhiên cả…”.
6. Sử gia Phạm Trần Anh đã chứng minh niên đại của truyền thuyết về Thần Nông vào thiên niên kỷ thứ IV TDL hoàn toàn phù hợp với niên đại khảo cổ và kết quả đo chỉ số sọ của các nhà Khảo Tiền Sử về chủng Hoabinhian-Protoviets => Indonesian (Malaynesian=> Malayo-Viets = Bách Việt Bai-Yue). Theo các nhà Tiền Sử học thì Malayo-Viets tức Bách Việt đã định cư ở Trung Nguyên cách đây ít nhất là 6 ngàn năm. Công trình nghiên cứu sử học của học giả Shi Shi người Trung Quốc thì người U Việt (Gu-Yue) đã làm chủ biển cả cách đây hơn 7 ngàn năm. Đặc biệt, truyền thuyết kể lại rằng bố Lạc dẫn 50 con về “Thủy Phủ”, trước đây chúng ta cho là huyền hoặc thế nhưng địa danh thủy phủ đã được 2 học gỉa người Pháp là P Gouron và J Loubet tìm ra, đó chính là cảng Thành Đô, phủ Trùng Khánh tỉnh Tứ Xuyên được in trên bản đồ Atlas 1949. Sự thật lịch sử này đã được chính nguồn sách sử cổ Trung Hoa xác nhận khi chép về cộng đồng Bách Việt, đã chứng minh sự thật lịch sử của huyền thoại mà ta cứ tưởng là huyền hoặc hoang đường. Truyền thuyết khởi nguyên dân tộc đã được chính thư tịch cổ Trung Quốc thừa nhận sự thành lập của các quốc gia thời Chiến quốc mà họ gọi là Bách Việt ở vùng Giang Nam. Đông Việt tức U-Việt của Việt Vương Câu Tiễn không chỉ ở Triết Giang mà lên tới miền Giang Tô tức Châu Từ, quê hương của gốm sứ Việt cổ nổi tiếng của chi Dương Việt mà kinh đô là Cối Kê. Lý Tế Xuyên đã viết “Việt Điện U Linh” về nước Việt cổ xưa. Mân Việt ở Phúc Kiến, Dương Việt ở Giang Tây, Điền Việt ở Vân Nam, Quì Việt ở Tứ Xuyên, Nam Việt ở Quảng Đông, Âu Việt còn gọi là Tây Âu ở Quảng Tây, Lạc Việt ở Quảng Tây và Bắc VN. Chính sách sử cổ Trung Quốc ghi rõ cộng đồng Bách Việt cư trú khắp trung nguyên, thế mà sử quan triều Thanh Tiền Hy Tộ đã bóp méo ý nghĩa và sửa lại niên hiệu thành lập nước Văn Lang như sau: “Đến đời Chu Trang Vương (696-682TDL) ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng Hùng Vương, đóng đô ờ Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang. Phong tục thuần hậu, chất phác. Chính sự dùng lối thắt nút. Truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương …”.
Trước những sự thật của lịch sử, Trung Quốc đã phải xác nhận là nền văn hoá của họ là do hàng trăm dân tộc góp phần tạo dựng nhưng vẫn bao biện cho rằng văn hoá Hán ở vùng Tây Bắc là chủ thể. Thế nhưng chính học giả Trung Quốc Wang Kuo Wei lại cho rằng nơi phát nguyên văn hoá Trung Quốc là ở miền Đông Bắc tức vùng Sơn Đông của Lạc bộ Trãi chứ không phải ở miền Tây Bắc (Thiểm tây) như quan niệm sai lầm từ trước đến nay. Thế mà các nhà sử học Mác Xít đã viết sử rập khuôn sử quan triều Thanh và theo nghị quyết của đảng Cộng Sản Việt Nam về sự thành lập nước Văn Lang trong bộ Lịch sử Việt Nam của Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam như sau: “Sự ra đời của nhà nước Văn Lang đầu tiên của nước ta đời Hùng Vương và Âu Lạc đời An Dương Vương vào giai đoạn Đông Sơn trong thiên niên kỷ thứ I trước công nguyên. Căn cứ theo 15 bộ của nước Văn Lang và nhất là căn cứ vào quá trình chuyển hoá lịch sử nước Văn lang đời Hùng Vương đến nước Âu Lạc đời An Dương Vương, rồi đến 2 quận Giao Chỉ, Cửu Chân thời thuộc Triệu và thuộc Hán, có thể xác định địa bàn của nước Văn Lang tương ứng với vùng Bắc bộ, Bắc Trung bộ nước ta ngày nay và một phần phía Nam tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc”. Trên thực tế, địa bàn cư trú của tộc Việt mà sách sử cổ TQ ghi là các quốc gia Bách Việt ở rải rác khắp lãnh thổ Trung Quốc bây giờ. Các nhà sử học Mác Xít theo quan điểm của đảng Cộng Sản Việt Nam đã cố tình sao chép nguyên văn những xuyên tạc, kéo lùi niên đại thành lập Văn Lang cũng như xác nhận lãnh thổ của Văn Lang chỉ bao gồm phần lãnh thổ VN hiện nay và 1 phần phía Nam tỉnh Quảng Tây TQ chính là một hành động bán nước, phản bội lại công lao của vua Hùng và xương máu của biết bao thế hệ tiền nhân. Việc sửa đổi lịch sử để hợp thức hóa sự xâm lăng của Hán tộc là một tội ác mà “Thần Người đều căm hận, Trời Đất chẳng dung tha” của tập đoàn Việt gian bán nước, tội đồ muôn đời của dân tộc.
7. Cuối cùng, sử gia Phạm Trần Anh đã dẫn chứng một sự thật lịch sử mới được khoa học xác nhận đã làm đảo lộn những giả thuyết nhận định từ xưa tới nay về Nguồn gốc tộc Việt. Kết quả mới nhất thuyết phục nhất về phân tích cấu trúc di truyền DNA của Việt tộc đã xác định một lần nữa là Việt tộc là một đại chủng và hoàn toàn khác biệt với Hán tộc làm sáng tỏ vấn nan khúc mắc từ ngàn xưa.
Tôi trân trọng cám ơn sử gia Phạm Trần Anh đã dày công nghiên cứu để hôm nay chúng ta có một bộ sử đầy đủ nhất, hữu ích nhất cho thế hệ con em Việt Nam chúng ta. Cuối cùng, xin chân thành cám ơn tất cả quý vị yêu quý lịch sử Việt Nam đã quan tâm tới tiền đồ của dân tộc đang cầm trong tay tác phẩm Nguồn Gốc Dân Tộc Việt với những chứng cứ khoa học nhất, thuyết phục nhất đã giúp tất cả người Việt Nam chúng ta hiểu rõ về ngọn nguồn gốc tích của mình.
TS Nguyễn Anh Tuấn (Khoa học Chính Trị)
TỰ TÌNH DÂN TỘC
Là người Việt Nam, chúng ta tự hào là con RỒNG cháu TIÊN thế nhưng, mỗi khi tìm về nguồn cội dân tộc thì nỗi ray rứt niềm băn khoăn làm nhức nhối tâm can biết bao con dân đất Việt. Ngay từ khi còn cắp sách đến trường, bài học thuộc lòng thuở đầu đời “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con…”. Biết bao câu hỏi được đặt ra trong đầu óc ngây thơ trong trắng như núi Thái Sơn ở đâu thì được thầy trả lời ở bên Tàu. Ai trong chúng ta mà không đặt câu hỏi tại sao công cha nghĩa mẹ lại so sánh với núi Thái Sơn ở bên Tàu? Lớn lên học văn chương truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du thì lại được giảng thêm là Nguyễn Du phỏng theo cốt truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu. Nhân vật Từ Hải quê ở Việt Đông, người anh hùng Việt tộc một thời chọc trời khuấy nước một thời thì bị xem như một thảo khấu chống lại triều đình!!!. Thế rồi ai trong chúng ta mà chẳng một lần ấm ức xen lẫn hoài nghi khi nghe nói về huyền thoại Rồng Tiên, truyền thuyết khởi nguyên của dân tộc bị một số trí thức “Tây học” chê là hoang đường huyền hoặc. Chúng ta lại càng hổ thẹn hụt hẫng khi đọc quyển sử “Việt Nam thời khai sinh” của Linh mục Nguyễn Phương khẳng định người Việt chúng ta gốc là người Tàu!
Thật đáng buồn là các sử gia thời quân chủ phong kiến thì nhất nhất chỉ tin vào chính sử Trung Quốc, còn các nguồn gốc sử liệu khác thì chê là ngoại thư không thể tin được. Thậm chí các ông nho sĩ ta thời trước còn tôn thờ Sĩ Nhiếp là sĩ vương trong khi các ông quên hẳn một điều là dù muốn dù không, Sĩ Nhiếp cũng là một tên thái thú sang cai trị dân ta. Chính Sĩ Nhiếp chứ không ai khác đã đem chữ Hán nô dịch đồng hoá dân tộc ta. Dân ta không chịu học chữ Hán, vẫn dùng ngôn ngữ Việt cổ nên Sĩ Nhiếp cấm dân ta viết chữ tượng thanh của Việt tộc.
Trước đây, một số sử gia tuy không cho rằng người Việt ta là gốc Tàu nhưng chịu ảnh hưởng của Tàu trên nhiều phương diện nên cũng tán đồng luận điểm áp đặt của các nhà Nhân chủng cho rằng dân tộc ta thuộc giống Mông cổ ngành Phương Nam. Ngày nay, các nhà sử học CHXHCNVN viết sử theo nghị quyết của Đảng CS nên đã không những không dám nói lên sự thật lịch sử mà lại còn nhất tề phụ hoạ với luận điểm cho rằng nước Văn Lang ta chỉ mới hình thành hơn 600 năm TDL cho phù hợp với sử quan bành trướng Đại Hán xa xưa mà hiện nay là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc anh em! Họ phủ nhận cương giới của nhà nước Xích Quy sơ khai của Việt Tộc, chống lại sử quan dân tộc của những người Việt Nam chân chính mà họ phê phán là khuynh hướng dân tộc cực đoan hẹp hòi.
Chính vì những ấm ức hổ thẹn đó, chúng tôi mới đủ can đảm viết quyển sách nhỏ này. Bản thân người viết không có tham vọng viết sử mà chỉ muốn nói lên những ý nghĩ của người Việt Nam yêu nước xuyên suốt dòng vận động lịch sử của dân tộc. Ý tưởng phải viết quyển sách nảy sinh ngay thời gian còn ở trong tù, khi Trung Cộng tiến quân đánh Cộng sản Việt Nam ngày 17-2-1979. Thoạt đầu chúng tôi vui mừng vì nội bộ cộng sản phân hóa đánh lẫn nhau nhưng sau đó, chúng tôi lại hết sức lo âu cho vận mệnh của dân tộc Việt. Chúng tôi thường xuyên thảo luận với nhau về hiểm họa phương Bắc, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc từ thời Thương,Chu, Tần, Hán. Thời Hán Vũ Đế đã đem quân xâm lược đánh chiếm thống trị các dân tộc khác để mở rộng lãnh thổ, thành lập một đế quốc Đại Hán hùng mạnh như đế quốc La Mã của phương Tây. Chính sách sử Trung Quốc đã ghi chép dân tộc Trung Quốc là do các dân tộc Mông Cổ, Mãn Châu, Tạng, Hồi nhưng Hán tộc là chủ thể mà không dám nhắc đến tộc Việt vì người dân gọi là người Trung Quốc ở miền Đông và miền Nam TQ gốc Việt cổ chiếm hơn nửa dân số Trung Quốc.
Trong suốt dòng lịch sử khởi từ thời lập quốc đến ngày nay, chủ trương trước sau như một là bằng mọi giá phải tiêu diệt cho được tộc Việt vì cái gọi là văn hóa, văn minh Trung Quốc chính là văn hóa văn minh Việt mà Hán tộc đã tiếp nhận rồi cải biến gọi là văn hóa Trung Quốc. Thứ nữa, chính Hán tộc du mục từ thời tộc Thương đã xâm chiếm nhà Hạ của Vìệt tộc năm 1766 TDL cho tới thời Hán Vũ Đế đánh chiếm Nam Việt năm 111 TDL tất cả 7 cuộc xâm lược, khiến tộc Việt phải rời bỏ phần lãnh thổ TQ hiện nay chạy xuống định cư tại phần lãnh thổ Việt Nam bây giờ. Hầu hết người Việt cổ trong các quốc gia Bách Việt đã bị thống trị, bị đồng hóa nhưng trải qua hàng ngàn năm, tuy phần nào có giống “Đồng” nhưng vẫn giữ bản sắc văn hóa truyền thống Việt, nên không bao giờ trở thành, “Hóa” thành người Trung Quốc được.
Trung Quốc là một quốc gia tạp chủng, một Hiệp chủng quốc ở phương Đông do xâm lược thống trị các dân tộc khác nên vấn đề chủng tộc là một tử huyệt của đế quốc mới Trung Cộng. Chính vì vậy, chúng tôì bắt tay vào việc nghiên cứu, tìm về nguồn gốc dân tộc để phục hồi sự thật lịch sử, chứng minh cho các dân tộc ở TQ nhất là dân TQ ở miền Đông và miền Nam TQ hiểu rõ cội nguồn gốc tích Việt của mình thì một ngày nào đó, hơn 3/4 dân TQ sẽ đứng lên chống lại giới cầm quyền, kẻ thù truyền kiếp của các dân tộc Mông, Mãn, Tạng, Hồi và nhất là Việt thì sự sụp đổ của đế quốc Trung Cộng là một điều bắt buộc phải xảy ra, một tất yếu lịch sử.
Ngay khi ta khỏi trại tù, chúng tôi đã bắt tay vào việc tìm kiếm tài liệu, viết những trang sách đầu tiên về lịch sử Việt trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, bị theo dõi kiểm soát nghiêm ngặt, rình rập thường xuyên nên vìết lách thật là khó khăn. Trong điều kiện đó, chúng tôi không thể lãnh hội những cao kiến của các bậc thức giả cũng như tham khảo nguồn sách sử nhiều nên chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mạnh dạn đặt vấn đề, đưa ra những giả thuyết để có cái nhìn tổng quát xuyên suốt toàn bộ quá trình lịch sử dân tộc hầu mong nhận được những cao kiến đồng tình đóng góp hoặc phê bình phản bác của các bậc thức giả, những người Việt Nam yêu nước chân chính để vấn đề nguồn cội dân tộc ngày càng sáng tỏ. Được như vậy, người viết sẽ rất hân hạnh vì đã góp được phần nhỏ nhoi của mình trong công cuộc tìm về nguồn cội dân tộc, chu toàn bổn phận của một con dân đất Việt.
Người viết cũng xin chân thành cảm ơn bằng hữu và những người có lòng ưu tư về nguồn gốc dân tộc đã giúp đỡ khích lệ cá nhân tôi hoàn thành quyển sách này. Chúng tôi cũng xin trân trọng tác giả những nguồn sử liệu và xin được phép tham khảo ngõ hầu sáng tỏ thêm nguồn cội dân tộc. Chúng tôi may mắn là người đi sau nên có được điều kiện tham khảo những nguồn sử liệu mới nhất của triết gia Kim Định, nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc, giáo sư Nguyễn Đoàn Tuân, giáo sư Cung Đình Thanh và Bác sĩ Trần Đại Sĩ nên mạnh dạn đặt vấn đề tìm về cội nguồn dân tộc.
Khi vừa sơ thảo quyển Nguồn Gốc Việt Tộc thì chiến hữu Trần Thúc Vũ đi định cư sang Hoa Kỳ nên một thời gian sau, quyển Cội Nguồn Việt tộc được ấn hành và giới thiệu với đồng hương ở Hải ngoại năm 2004. Tháng 11 năm 2006, Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn giáo được thành lập trong nước và cần phải có tiếng nói ở hải ngoại nên quý vị cố vấn và Hội Đồng Điều Hành đề nghị với cương vị Phó Hội Trưởng Ngoại vụ, tôi phải sang định cư tại Hoa Kỳ để vận động đồng bào trong và ngoài nước, vận động công luận quốc tế thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá Việt Nam. Ngay sau khi đến Hoa Kỳ, tôi đã đi các tiểu bang lớn của Hoa Kỳ và sang 5 nước ở châu Âu, Canada để trình bày hiện tình Việt Nam và vận động chính giới, công luận quốc tế và đồng hương Việt Nam ở các nước ủng hộ tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Năm 2007, tôi sửa đổi bổ sung và cho tái bản quyển Nguồn Gốc Việt tộc đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về cội nguồn phát tích của tộc Việt. Quyển sách đã được đồng hương đón nhận nhiệt tình nên chúng tôi phải tái bản lần thứ nhì và bây giờ là lần thứ ba với những cập nhật mới nhất, thuyết phục nhất để trân trọng gửi tới những tấm lòng tha thiết với nguồn cội dân tộc và bảo vệ bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam.
Trong sách này, chúng tôi dùng chữ dân gian thường gọi là Tầu thay vì Trung Quốc. Chính sách sử Trung Quốc đã viết là dân tộc Trung Quốc là do các tộc người Mông, Mãn, Tạng, Hồi và Hán là chủ thể. Các nhà viết sử cũng như người Tầu tự nhận họ là người Hán (Hán nhân) vì thời đại triều Hán là thời lãnh thổ Trung Quốc mở rộng do các cuộc xâm chiếm đất đai của các dân tộc khác nên chúng tôi gọi là Hán tộc để chỉ một tộc người du mục xâm lược. Đứng trên quan điểm dân tộc, chúng tôi chỉ dùng chữ “Nhà” thân thương cho các triều đại của nước ta như nhà Ngô, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần … còn Hán tộc thì chúng tôi dùng chữ “Triều” (đại) như triều Thương, triều Chu, triều Hán. Thứ nữa, lấy năm thứ nhất Dương lịch làm điểm mốc lịch sử cho thật chính xác thay vì chữ Công nguyên như vẫn dùng sai lầm từ trước đến nay.
Sau cùng, chúng tôi quan niệm rằng yêu nước tất phải trân trọng tất cả những thăng trầm hưng phế của dòng vận động lịch sử mà biết bao thế hệ đã vun trồng bằng máu và nước mắt để viết lên những trang sử bất khuất hào hùng. Đồng thời phải học biết về lịch sử để hiểu rõ hơn ý nghĩa tuyệt vời của huyền thoại Rồng tiên, hiểu rõ về nguồn cội dân tộc, hiểu rõ hơn bản sắc văn hóa và truyền thống cao đẹp của một dân tộc có gần 5 ngàn năm văn hiến.
Tri ân tiền nhân chưa đủ mà chúng ta phải học tập, noi gương các danh nhân anh hùng khai sáng văn hoá, các anh hùng dân tộc của thời xa xưa thấm đậm trong tâm thức Việt để rồi dân tộc sẽ sản sinh ra những anh hùng của một ngày mai. Chính vì vậy, có thể nói lịch sử là ngọn nguồn của lòng yêu nước, chính lịch sử quá khứ hào hùng của một dân tộc sẽ là tương lai xán lạn huy hoàng của dân tộc đó. Nói theo sử gia thời danh Arnol Toynbee thì “Nếu thiếu những sự thách thức tức là thiếu yêu cầu bức bách đòi hỏi phải biết vận dụng được một cách vượt bậc khả năng xoay chuyển tình thế thì không có điều kiện để một cộng đồng người thể hiện được sức mạnh và sự sáng tạo của mình. Chính sự đáp ứng thích hợp trước những thách thức, sự vận dụng một cách vượt bậc khả năng xoay chuyển tình thế, đã đưa tới những thành tựu văn hoá lớn tạo nên bản lĩnh của các dân tộc và có thể nói lịch sử hình thành một nền văn minh lớn, không bao giờ diễn ra trên một con đường bằng phẳng với những bước đi bình thản...”.
Trên thế giới có lẽ không một dân tộc nào mà chịu đựng thử thách gian nan khốn khó hơn dân tộc Việt. Lịch sử cũng đã chứng minh dân tộc ta đáp ứng được những yêu cầu bức bách, sự thách thức của từng thời đại để Việt Nam là một trong những nền văn minh cổ của nhân loại còn tồn tại mãi đến ngày nay. Chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng hãnh tiến hướng về tương lai trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ thứ III. Tuy nhiên chúng ta không thể đứng yên mà trông chờ vào cái gọi là “Định mệnh lịch sử” mà nên nhớ rằng, Lịch sử hôm nay là chính trị của những ngày qua và chính trị ngày nay sẽ là lịch sử ở ngày mai. Lịch sử là cuộc trưng cầu dân ý mỗi ngày của một dân tộc thế nên chính chúng ta, mỗi ngày đang góp phần lịch sử vào tương lai của dân tộc chúng ta. Trong ý thức đó, chúng tôi xin mời quý vị, chúng ta cùng tìm về cội nguồn Việt tộc, về Việt Nam thời lập quốc từ truyền thuyết đến hiện thực lịch sử Việt Nam.
Việt Nam, Mùa giỗ Tổ 4879 Việt Lịch (DL 1999)
PHẠM TRẦN ANH.
Subscribe to:
Posts (Atom)