TÌNH ĐỒNG BÀO NGHĨA RUỘT THỊT,
Ý NGHĨA NHÂN VĂN CAO ĐẸP CỦA VIỆT NAM
Truyền thống lịch sử năm ngàn năm văn hiến còn cho chúng ta một ý nghĩa cao đẹp tràn đầy vẻ nhân văn của huyền thoại Việt Nam mà không một dân tộc nào có được. Thật vậy, từ hình tượng Mẹ Tiên đẻ ra một bọc trăm trứng rồi đem ra để ở ngoài đồng để mẹ đất ấp ủ, bảy ngày sau nở ra trăm người con trai, người nào cũng khôi ngô tuấn tú đã cho chúng ta niềm tự hào con Rồng cháu Tiên. Chúng ta có chung cội nguồn huyết thống thiêng liêng, truyền lưu cho chúng ta nên chúng ta đều “bình đẳng” như nhau. Chúng ta cùng chung một bào thai của Mẹ Âu Cơ, người Mẹ Tổ quốc Việt Nam sinh thành dưỡng dục nên chúng ta có quyền gọi những anh em là đồng bào ruột thịt mà các dân tộc khác không thể gọi được như thế.
Hai chữ đồng bào mà chúng ta vẫn gọi một cách thân thương trìu mến “Bọc điều trăm họ thai chung, Đồng bào tiếng gọi vô cùng Việt Nam...”. Dân gian Việt thường gắn liền “yêu nước với thương nòi”, “tình đồng bào với nghĩa ruột thịt” đặc trưng của nòi giống Việt. Chính từ ý nghĩa đồng bào nên trong cuộc sống thường nhật, việc ứng xử thể hiện qua cách xưng hô với người không phải trong gia tộc rất là thân tình chẳng khác gì bà con họ hàng cả. Đối với tha nhân, người Việt chúng ta cũng gọi là bà con cô bác, cũng xưng hô là ông bà, cô bác, chú thím, cậu mợ, anh chị em, là điều mà không thấy ở bất cứ một dân tộc khác ngoài Việt Nam. Đồng bào còn biểu trưng một ý niệm bình đẳng như nhau, giữa những con dân Việt không có gì khác biệt về đẳng cấp, quyền lợi.
Huyền thoại Rồng Tiên thể hiện một ý chí độc lập tự cường lấy sức mình là chính, không dựa vào thần linh cũng như tha nhân. Huyền tích Việt kể rằng mẹ Âu đem bỏ cái bọc ra ngoài đồng, biểu trưng cho nền văn hoá nông nghiệp nên dân gian ngày xưa, khi đẻ xong lót lá chuối cho con nằm dưới đất hàm nghĩa trong vòng tay của mẹ đất. Mặt khác nó cũng thể hiện ý niệm nhân chủ, lấy con người làm chính, dựa trên ý chí tự chủ, tự lực tự cường.
Huyền thoại Rồng Tiên kể rằng sau 7 ngày, trăm trứng nở ra trăm con trai, không cần phép màu của bất cứ thần linh nào đã thể hiện cao độ tâm linh Việt, sức sống Việt. Từ đó, chúng ta phải biết lấy sức mình là chính để đứng vững trên đôi chân của mình không dựa vào Thần linh, một sức mạnh bên ngoài như các dân tộc khác. Từ ý niệm đồng bào cùng chung một Mẹ, một nguồn cội huyết thống đã hình thành một ý thức dân tộc cao độ với lòng yêu nước gắn liền với tình thương nòi giống.
Hai ý niệm yêu nước thương nòi hoà quyện làm một, xuất phát từ lòng tự hào “Con Rồng cháu Tiên” đã tạo nên những kỳ tích oai hùng, đẹp như áng sử thi của thiên trường ca bất hủ Việt Nam. Hai chữ “Đồng bào”của Việt tộc còn biểu trưng một cộng đồng Bách Việt luôn đặt quyền lợi chung lên trên quyền lợi cá nhân, việc nước trước việc nhà, danh dự gia đình dòng họ trên lợi ích cá nhân hẹp hòi vị kỷ. Tuy vậy, truyền thống Việt cổ vẫn lấy con người làm gốc “Nhân bản”, tôn trọng cá nhân cũng như sự bình quyền nam nữ, không phân biệt giàu nghèo sang hèn.
Trong khi đó, Tây phương coi trọng tự do cá nhân thái quá không đếm xỉa gì tới tha nhân, tới lợi ích cộng đồng của nhân quần xã hội. Đó chính là ý nghĩa của đạo đức Việt cổ mà giới học giả Tây phương đều phải hết lời ca ngợi cái gọi là “Giá trị Phương Đông”, tinh hoa của nền văn minh đạo đức Việt Nam.
PHẠM TRẦN ANH
No comments:
Post a Comment