Friday, December 23, 2016

TRẠI GIAM XUÂN PHƯỚC NƠI RỪNG THIÊNG NƯỚC ĐỘC “THUNG LŨNG CỦA TỬ THẦN!”

1. Người nữ anh hùng: Thái Thị Kim Vân

Sau vụ đào tường trốn trại bất thành. Tôi bị cùm quyện suốt ngày đêm, bị cúp thăm nuôi, không được nhận quà gia đình đã hơn một năm, đôi chân teo nhỏ lại và gần như bại liệt, đôi mắt trở nên mờ, thân thể ốm dần. Bất ngờ một hôm có một sĩ quan an ninh đến tại cửa phòng và thông báo tôi phải chuẩn bị đồ đạc cá nhân di chuyển gấp, chưa đầy năm phút sau, họ đến mở cửa, anh em các phòng bên cạnh đến kè tôi ra xe… một chuyến đi xa chưa biết sẽ về đâu? Chúng tôi tất cả gồm 21 người, 20 người nam và 1 nữ như sau:

1.      Ông Huỳnh Quang Tiên, nguyên Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Công binh tỉnh Bạc Liêu.
2.      Ông Danh Hồng, nguyên Hạ sĩ quan Ban Quân nhạc Sư đoàn 21.
3.      Ông Trương Hồng Phến, nguyên Hạ sĩ quan Tiếp liệu Quân đoàn 4.
4.      Quách Văn Hoạch, nguyên Hạ sĩ quan Tiếp liệu Địa Phương quân tỉnh Bạc Liêu.
5.      Huỳnh Hữu, nguyên Sĩ quan Đà Lạt.
6.      Nguyễn Hồng Phúc, nguyên Sĩ quan Thủ Đức.
7.      Nguyễn Long Hội.
8.      Thái Kim Lái.
9.      Trương Văn Nam.
10.  Đặng Văn Hai
11.  Trịnh Thanh Sơn
12.  Lê Văn Tài
13.  Võ Anh Dũng.
14.  Lâm văn Hoàng.
15.  Nguyễn văn Mạnh.
16.  Nguyễn Thanh Xuân.
17.  Nguyễn Thanh Phong.
18.  Huỳnh văn Ba.
19.  Lâm Hồng Sương.
20.  Lý Sơn.
21.  Chị Thái Thị Kim Vân, nguyên sĩ quan Huấn luyện viên Trường Nữ Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Điều khá trùng hợp là vụ án chính trị của tôi có 21 người gồm 20 nam, 1 nữ và chuyến viễn hành lưu đày này cũng có 21 người gồm 20 nam, 1 nữ. Đặc biệt chuyến lưu đày biệt xứ này có chị Thái Thị Kim Vân được sự ưu ái và quan tâm nhiều nhất của các anh em. Sự ưu ái quan tâm không những chỉ vì chị duy nhất là giới nữ lưu, mà mọi người còn trân trọng khâm phục và mến mộ chị vì chị là "Người Nữ Anh Hùng tỉnh Bạc Liêu". Phải nói rằng chị có một trái tim bằng thép của một "Đấng Nam Tử Trượng phu", nói cho đúng hơn chị quả là một "Nữ Tướng Hào Kiệt". Trước đây, chị từng là một nữ sĩ quan huấn luyện viên trường nữ Quân Nhân về môn Sử Địa. Chị tham gia vào tổ chức "Mặt Trận Dân Tộc Tự Quyết" ở Sài Gòn với chức vụ Chánh văn phòng Mặt Trận ở trung ương nên chị bị kết án chung thân tại Bạc Liêu. 

Ngay khi vào tù tôi đã nghe tên tuổi vang lừng của chị với lòng nhiệt huyết, bản lĩnh gan dạ, một lòng son sắt với lý tưởng tự do. Chị còn có tài hùng biện với lời lẽ đanh thép. Trước phiên tòa Cộng sản, chị đã 2 lần ứng đối khiến cả hội đồng xử án sơ thẩm và phúc thẩm đuối lý, mất mặt. Tập đoàn Việt gian Cộng sản có thể bắt chị, bỏ tù chị nhưng không dám khinh thường. Người dân Bạc Liêu kính phục, mến mộ chị và thường lưu truyền những giai thoại về chị nên ngay khi vào tù, nằm trong xà lim đã nghe danh chị nhưng chưa được một lần diện kiến. Trong tù, chị luôn luôn đi đầu trong các phong trào đấu tranh đòi quyền sống, đòi hỏi yêu sách chính đáng của các tù nhân ngay trong trại tù. Chí khí và bản lĩnh của chị hơn hẳn nam giới. Chị đã hô vang "Đả Đảo Cộng sản" ngay trong trại tù nên bị bọn cai tù đánh đập tra tấn gãy cả hàm răng. Thời gian tôi bị cùm quyện khai thác cung cán bao lâu thì chị cũng bị hành hạ đủ điều, bị cùm quyện trong xà lim nữ kỷ luật. Trên chuyến xe lưu đày này, tôi mới được hân hạnh gặp chị, nói chuyện với chị và bày tỏ khâm phục chí khí của chị. Chị cũng vui mừng vì lần đâu tiên được gặp một ông thầy tu luôn xông pha vào dầu sôi lửa bỏng. Chuyến viễn du với niềm vui, hạnh ngộ với người cùng chí hướng đã ghi đậm kỷ niệm những năm tháng lưu đày khổ sai gian khổ của những người có lòng hy sinh cuộc đời để cứu dân cứu nước.

2. Dừng chân hai đêm tại khám chí hòa, gặp đại bàng trong tù nhưng bình an vô sự…

 Kỷ niệm hai đêm tạm nghỉ tại khu AH khám Chí Hòa Sài Gòn trên đường di chuyển lưu đày..Chuyến xe đưa 21 người chúng tôi khởi hành từ buổi sáng sớm, nhưng vì lý do thủ tục, xăng dầu, gạo thóc, vũ trang theo xe bảo vệ… Cho nên từ trại cải tạo Cây Gừa đến thành Phố Sài Gòn thì trời đã sụp tối. Đèn thành phố trong những năm này có chỗ sáng chỗ tối, những doanh trại của quân đội, công an hay những cơ quan đầu não của chính quyền thì đường phố nơi ấy sáng trưng dưới ánh đèn điện, còn những nơi khác thì tối tăm, quang cảnh tiêu điều. Người đi dạo phố thưa thớt, trên các ngã đường không còn nhộn nhịp như xưa, những quán xá cũng giảm bớt. Thế nhưng trên đường phố xuất hiện những tên Việt cộng quần áo, mũ nón đủ loại của một đoàn quân ô hợp. Người ta chỉ nhìn lên hễ trông thấy các tòa nhà nào có phơi treo đủ loại quần áo lớn nhỏ kể cả loại kín đáo nhất của phụ nữ hay quần đùi, áo thun lá của nam giới bay phất phới trước mặt tiền của ngôi nhà, thì biết đó là nếp sống “văn hóa mới”, nền “văn minh thời thượng” của cộng sản rồi...!

Những tầng lầu cao có lá cờ đỏ sao vàng thật to hay có những khẩu hiệu thật lớn thì nơi ấy có VẸM loại to rồi, cho nên:

Đất Sài Gòn chốn đô thành hoa lộng
Được nổi danh là vang bóng yêu kiều
Vui bao nhiêu nay buồn thảm bấy nhiêu
Bởi cộng sản dùngluật điều khắc khổ...

Xưa du lịch động cơ máy nổ
Nay đạp xe lội bộ đi chân
Nền văn minh chính ủy chuyển sang
Quay trở lại cả trămnăm về trước...

Thiếu nhiên liệu, điện, than, củi, nước
Bao nhu cầu thiếu trước hụt sau
Như mũi tên bắn tận trời cao
Không điểm tựa tên lao xuống đất...

Lỡ bấy lâu lên lưng cọp vác
Nên cũng đành nhắm mắt xuôi tay
Nhảy xuống thì bị xé xác phanh thây
Đành nhắm mắt rủi may cho định số...

Nhìn xã hội mịt mù tăm tối
Bao thanh niên tấn thối lưỡng nan
Kẻ ăn chơi phóng túng hoang đàng
Kẻ bất mãn bi quan yếm thế...

Sống gửi thân trở thành người hư phế
Như chỉ mành khác thể treo chuông
 Như cây dâu thân tầm gửi dựa nương
Đành hủy diệt như hạt sương gặp nắng...

Kẻ ý thức biết phân tà chánh
Vội lên đường xa lánh chốn phồn hoa
Vào mật khu quyết chiến xông pha
Để chống lại bọn gian tà bạo ác...

Bế cửa chùa, nhà thờ, thánh thất
Có Linh mục, có Chức sắc, có nhà sư,
có Mục sư, có Đại đức, có Tăng ni
Có con Chiên, Tín đồ trong các đạo...

Có các tầng lớp,Thiếu thanh, Phụ lão
Quyết vùnglên như sóng bão trùng dương
Kẻ công khai người bí mật lên đường
Từ thành thị, núi rừng miền thôn dã...
Sự tự nguyện do lòng dân tất cả...

Chuyến xe họ đưa chúng tôi suốt một ngày đường, khi đến thành phố Sài Gòn là vào chiều tối thứ bảy, Công an Bạc Liêu gửi 21 người vào khám Chí Hòa để tạm nghỉ hai đêm, sáng sớm thứ hai sẽ tiếp tục cuộc hành trình. Ngày chủ nhật bọn công an nhà quê Bạc Liêu ở tỉnh lẻ muốn đi cho biết chợ Lớn, Sài Gòn. Số gạo mang theo đường cho chúng tôi họ đem đi bán để lấy tiền tiêu vì ở Sài Gòn lúc bấy giờ gạo đắt đỏ lắm! Hai mươi người đàn ông chúng tôi được gởi ở tầng trên của khu AH, nơi phòng giam của thường phạm, còn chị Thái Thị Kim Vân được gởi ở tầng trệt phía dưới các phòng dành cho nữ tù. Thông thường theo phép lịch sự của người mới đến, khi bước vào phòng giam tất cả anh em chúng tôi đều mĩm cười gật đầu chào xã giao với những người cố cựu trong phòng.

Bỗng có một chú thanh niên, tuổi chừng 20 mình trần mặc chiếc quần đùi xanh da trời, thân thể có nhiều vết xâm ra đứng ngay giữa phòng tay kéo lưng quần xuống khỏi rốn, để lộ cả hạ mao… anh ta vỗ tay ba tiếng, hai tay chống nạnh và la to "Tập thể hãy im lặng, giữ trật tự". Mọi người trong phòng liền im phăng phắc, tất cả đều ngồi thẳng lưng và họ đang trố mắt nhìn chúng tôi. Khi đợi mọi người im lặng, anh Đại bàng trẻ tuổi này nhìn thẳng vào chúng tôi và nói: “Tất cả các anh mới nhập phòng hãy nghe lệnh tôi, phải thực hiện đúng quy định của phòng đề ra. Bây giờ ngay tức khắc tôi yêu cầu tất cả các anh tự chính mình cởi quần áo ra hết, mỗi người chỉ còn duy nhất chiếc quần đùi và tất cả hãy quì gối xuống quay mặt vào tường nhanh lên". 

Tôi thật quá bất ngờ với câu nói đầy quyền uy và mệnh lệnh mà tôi chưa từng được nghe trong đời. Tôi tự hỏi tai của mình nghe không biết có chính xác không? Tôi dường như không mấy tin vào tai của mình nữa! Lúc ấy cả 20 người chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau chưa biết phải đối phó như thế nào? Như nóng lòng chờ đợi, anh Đại bàng trẻ tuổi này lập lại một lần nữa...

Trong lúc ấy phía trên đầu hàng ông Thiếu tá Huỳnh Quang Tiên và ông Nguyễn Long Hội quay nhìn xuống phía cuối hàng hỏi ý kiến của tôi "Theo ý Thầy Thiện Minh mình quyết định như thế nào?". Tôi quan sát toàn phòng khoảng 40-50 người đa số là ốm yếu bệnh hoạn còn chúng tôi 20 người, ngoài tôi ra thì mọi người thể lực rất sung mãn, đa số là quân cảnh, sĩ quan huấn luyện viên võ thuật, đặc biệt ông Danh Hồng người Khmer biết gồng dao chém không đứt. Bản thân tôi tuy đi đứng không vững, nhưng đôi tay có thể tự bảo vệ cho mình, nếu có sự xô xát xảy ra. Tôi suy nghĩ mình làm việc đại nghĩa này mà lại có người cư xử với mình thô bạo như vậy thì làm sao chấp nhận được!

Tôi liền lên tiếng và nói to:"Tất cả 20 người chúng tôi đều là tội chính trị, đa số là án tử hình mới giảm xuống chung thân. Chúng tôi làm chính trị để đi cứu lấy đồng bào trong đó có các anh em. Công an tạm gởi chúng tôi ở đây 1 - 2 đêm thôi, sáng thứ hai chúng tôi sẽ lên đường bị lưu đày tận miền Trung rồi! Không biết chừng nào được về và cũng không biết sống chết ra sao? Không lẽ đến đây chỉ ở tạm một vài đêm mà các anh em nỡ lòng nào cư xử với chúng tôi như thế này sao?". Khi nghe tôi nói anh Đại bàng hỏi vặn lại một lần nữa!"các anh nói các anh tội gì?" Tôi trả lời: "Tất cả chúng tôi đều là tội chính trị, âm mưu lật đổ chính quyền, hầu hết là án tử hình xuống án chung thân."

Liền khi ấy anh Đại bàng vội vàng kéo lưng quần lên khỏi rốn, anh bảo một người đem chiếc áo cho anh mặc vào. Anh ta hoàn toàn thay đổi thái độ, lời nói ôn tồn nhã nhặn rất lễ phép và trân trọng như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Anh đổi cách xưng hô gọi chúng tôi bằng các bác, các chú và xưng là con anh ta nói: “Con không biết, con tưởng là tội hình sự, vì khu AH này là khu giam giữ thường phạm từ trước đến nay, xin các bác, các chú tha lỗi cho”. Sau đó anh đi thẳng đến chỗ tôi đang ngồi, anh ngồi xuống nắm chân tôi vừa nói anh vừa đứng lên miệng mĩm nụ cười hiền lành "Xin thầy tha lỗi và thông cảm cho con! Thầy hơi nóng quá!”. Anh Đại bàng ra giữa phòng vỗ tay ba tiếng lần thứ hai và nói:" Tôi ra lệnh cho tất cả mọi người cũ trong phòng hãy dọn chỗ nằm ra hai bên để khoảng trống chính giữa dành chỗ nằm cho các bác, các chú và ai còn dự trữ nước hãy đem hết xuống cho các bác, các chú tắm nhanh lên!”

Khi chúng tôi tắm xong trong người cảm thấy tinh thần sảng khoái, khỏe khoắn vô cùng vì rửa sạch hết bụi bám đường xa trong một ngày dài mệt nhọc, lúc ấy nhà bếp khám Chí Hòa đã mang lên một thúng cơm còn nóng hổi. Nhưng thức ăn và hành lý chúng tôi hoàn toàn để hết trên xe rồi! Anh đại bàng lại tiếp tục ra lệnh lần thứ ba nữa "Ai có thức ăn mang xuống cho các bác, các chú" thật là xúc động khi nhìn thấy mọi người rất vui vẻ và sẵn sàng mang thức ăn đến, trong đó có cả thức ăn chay cho riêng tôi nữa!

Đêm đó 20 người chúng tôi thao thức khó ngủ, mọi người trong phòng quây quần nhau tâm sự trong một không khí thân mật đầm ấm. Tôi hỏi ra dường như qui định ngồi tại chỗ, vừa được nới lõng cho toàn phòng sinh hoạt vì có sự nể nang chúng tôi, riêng tôi có 2 cháu nhỏ đến xoa bóp đôi chân bị liệt và kè dắt tôi đi tới đi lui để tập cho đôi chân được lưu thông máu huyết. Sáng sớm hôm sau là ngày chủ nhật toàn phòng sinh hoạt văn nghệ. Tôi không biết hát nhưng kể vài mẫu chuyện ngắn giúp vui. Và rồi, sự đời có hợp có tan, bữa tiệc vui nào rồi cũng có lúc tàn. Đúng 4 giờ khuya rạng sáng thứ hai anh em cả phòng đều thức dậy thật sớm để tiển đưa chúng tôi, một buổi tiển đưa đầy lưu luyến và hứa hẹn. Mọi người bắt tay từ biệt và cầu chúc những câu nói tốt đẹp nhất mà người đời thường chúc tụng cho nhau.

Chuyến xe bắt đầu chuyển bánh rời khỏi trai giam Chí Hòa lăn mình hướng về Đồng Nai. Suốt một ngày đường phải qua các tỉnh Đồng Nai, Long Khánh, Bình Tuy (Hàm Tân), Bình Thuận, (Phan Thiết), Ninh Thuận (Phan Rang- Phan Rí)… Và xe chở tù cũng tạm dừng nghỉ qua đêm tại trại giam Nha Trang vì trời đã tối. Hai mươi người nam chúng tôi, mỗi người đều bị xiềng một chân chung hai xâu quyện nơi phòng dành riêng điều tra, còn chị Thái Thị Kim Vân được gởi ở phòng đan nón lá của nhà giam lao động nữ. Sáng hôm sau khi lên xe thì chi Kim Vân thông báo cho mọi người một tin vui nho nhỏ là phòng giam lao động nữ Nha Trang biếu tặng mỗi người 1 cái bánh đa và 1 chiếc nón lá đồng thời cầu chúc thượng lộ bình an. 

Khi xe chạy nhìn hai bên đường cảnh đồng khô cỏ cháy, nhà nhà đều phơi sắn trước sân loại khoai mì Công ngiệp H34 của Ấn Độ, họ xắt lát mỏng phơi chật hai bên đường hoặc trước nhà dự trữ để dành ăn độn. Trên bãi cỏ xa xa, những con bò thiếu cỏ ốm lòi trơ bộ xương, cổ dài ra, bụng teo tóp lại, dáng đi chậm chạp từng bước một, đôi mắt ngờ ngạc trông rất thảm thương. Tôi chợt nghĩ, nơi đây người người còn quanh năm thiếu đói,thì làm sao con vật no đủ được... Tôi mãi mê với cảnh vật xa lạ thì trời đã xế chiều, ánh mặt trời lùi dần sau những rặng núi Trường Sơn chỉ còn thấp thoáng một vầng màu hồng nhạt ở tận cuối chân trời xa thẳm. Trên trời, những đàn chim rừng từ phương xa lần lượt rủ nhau bay về tổ, cũng là lúc đoàn người chúng tôi trên chiếc xe tù gần đến cổng lớn trại giam. 

Tôi trông thấy một bảng hiệu to tướng được gắn trên hai cây cột được đúc bằng bê tông cao 7-8 mét. “Trại Cải tạo Xuân Phước” và bên trên có nhiều lá cờ ngủ sắc tôi tưởng chừng như nơi đây là hang động hay là am miếu của các vị pháp sư. Đúng! đây là nơi mà những người đã đi qua còn sống sót đặt cho cái tên khủng khiếp “thung lũng tử thần" là nơi địa ngục trần gian thật vô cùng khốc liệt. 

Sau khi xuống xe trình thủ tục nhâp trại thì chúng tôi nhận được một tin buồn là “Nơi đây không nhận nữ tù", thế là chị Thái Thị Kim Vân phải thu xếp hành lý để quay trở về Bạc Liêu. Là nữ giới mà phải chịu thêm một chuyến khứ hồi thật vô cùng thương cảm. Bản tính chị Vân rất kiên cường, cứng rắn nhưng trước sự chia tay này chị đến bắt tay từ giã từng người trong sự xúc động nghẹn ngào, nước mắt chị chảy nhiều, thật nhiều vì không có dịp ở gần gũi bên cạnh các anh em, trong chuyến đồng hành lưu đày biệt xứ để cùng đồng cam cộng khổ có nhau. 

Gần 1 năm sau anh em chúng tôi mới hay tin, công an Minh hải đã chuyển chị đến trại Hàm Tân Z30D ở Bình Thuận. Được biết chị không quen với khí hậu thời tiết nơi đây, vừa bị cưỡng bức lao động khổ sai nên chị đã mắc bệnh lao phổi khá nặng, gia đình đã nhiều lần làm đơn yêu cầu xin bảo lãnh chị về thành phố điều trị nhưng không biết kết qủa thế nào và từ đó đến nay biệt tăm tin tức, qua trang Hồi Ký, tôi chân thành gửi đến chị lời chúc nguyện an lành.

No comments:

Post a Comment